Thời gian qua, thực hiện chủ trương cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước của Chính phủ, tỉnh Hòa Bình đã thực hiện sắp xếp, tái cơ cấu, cổ phần hóa, nâng cao hiệu quả của nhiều doanh nghiệp thuộc tỉnh quản lý. Đối với Doanh nghiệp có vốn nhà nước: Tính đến 20/9/2022, cả tỉnh có 01 đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư; 36 đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm chi thường xuyên; 56 đơn vị sự nghiệp tự bảo đảm một phần chi thường xuyên; 01 đơn vị sự nghiệp đã được chuyển đổi thành Công ty cổ phần.
Đối với kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác xã: Tỉnh triển khai, áp dụng đầy đủ và kịp thời các cơ chế, chính sách hỗ trợ về tiếp cận nguồn vốn, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ, hỗ trợ phát triển thị trường, tạo điều kiện cho KTTT, HTX phát triển. Trong giai đoạn 2017-2021, mỗi năm có khoảng 55 HTX được thành lập. Hiệu quả hoạt động, quy mô hợp tác xã, doanh thu và thu nhập từng bước được cải thiện. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2022 toàn tỉnh thành lập mới 12 HTX, 02 THT, Đến hết tháng 6/2022, toàn tỉnh có 474 hợp tác xã (HTX), 04 Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) và 219 tổ hợp tác (THT); so với năm 2021 tăng 17 HTX và 02 THT. Các tổ chức kinh tế tập thể thu hút trên 15 nghìn thành viên và 27 nghìn lao động tham gia. Doanh thu bình quân ước đạt 1,17 tỷ đồng/HTX, lợi nhuận bình quân 127 triệu đồng/HTX, thu nhập bình quân của một lao động thường xuyên đạt 4,24 triệu đồng/người/tháng; Doanh thu bình quân THT ước đạt 110,33 triệu đồng/THT, lợi nhuận bình quân 29,09 triệu đồng/THT. Nội dung phương thức hoạt động của HTX từng bước được đổi mới, đa dạng về ngành nghề và quy mô tổ chức sản xuất kinh doanh; liên kết giữa hợp tác xã với doanh nghiệp, hộ thành viên trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm từng bước hình thành. Chủ động tham gia vào chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; góp phần giải quyết việc làm và tăng thêm thu nhập cho người lao động. Tỉnh cũng rất tích cực trong thực hiện hỗ trợ phát triển KTTT như: Bồi dưỡng nguồn nhân lực (hỗ trợ thực hiện mô hình thí điểm đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp cao đẳng trở lên về làm việc có thời hạn tại các HTX theo Kế hoạch số 162/KH-UBND ngày 14/12/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh); hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể...Kinh tế trang trại có nhiều tiến bộ do sự tập trung tích tụ ruộng đất và tăng vốn đầu tư của nông dân. Các mô hình trang trại hiệu quả như trang trại cam, mía, chăn nuôi lợn, bò, trồng cây ăn quả kết hợp với vườn đồi đã đem lại thu nhập khá cho người nông dân, trong đó nhiều trang trại có doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm, nhất là tại vùng trồng cam huyện Cao Phong.
Để khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển, tỉnh đã xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, của doanh nghiệp. Tích cực triển khai thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; có chính sách đột phá, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh. Trong 9 tháng đầu năm, toàn tỉnh ước có 380 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký khoảng 10.000 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước, số lượng doanh nghiệp cấp mới tăng 14%, số vốn đăng ký bằng 82,5%; 190 doanh nghiệp đăng ký chi nhánh, văn phòng đại diện; 175 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh; 35 doanh nghiệp giải thể tự nguyện; 90 doanh nghiệp quay trở lại thị trường.
Đối với kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, tỉnh khuyến khích kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực chế biến sâu từ các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của tỉnh; lựa chọn và có chính sách hỗ trợ đối với các dự án đầu tư nước ngoài có trình độ quản lý và công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và sử dụng nhiều lao động. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 37 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký khoảng 600 triệu USD.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai toàn diện, quyết liệt, kịp thời và có hiệu quả các nghị quyết, chương trình hành động của tỉnh về đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; có chính sách đột phá tháo gỡ những vướng mắc, tạo thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh và phát triển. Đẩy mạnh phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp và cơ sở sản xuất - kinh doanh, thông quan việc định hướng, kết nối liên kết, tạo thành mạng lưới sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Củng cố, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước trên cơ sở các doanh nghiệp đã thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước không cần nắm giữ theo nguyên tắc thị trường...Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh xây dựng các mô hình liên kết sản xuất; hình thành các chuỗi cung ứng. Tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.../.