Sau 8 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 09, đến nay trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có 8 KCN với tổng diện tích đất quy hoạch 1.510 ha, các KCN thu hút 83 dự án đầu tư, trong đó 17 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài và 66 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký là 303,263 triệu USD và 8.034,799 tỷ đồng. Nâng tổng số các dự án đầu tư tại các KCN của tỉnh đến tháng 08/2022 là 104 dự án, trong đó 26 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (chiếm 66,7% số dự án FDI toàn tỉnh) với tổng số vốn đăng ký là 514,78 triệu USD (chiếm 83,5% vốn đăng ký FDI toàn tỉnh) và 78 dự án đầu tư trong nước, vốn đăng ký 13.574,66 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2014-2022, các CCN trên địa bàn tỉnh thu hút mới được 25 dự án đầu tư nâng tổng số các dự án thứ cấp đầu tư sản xuất kinh doanh tại các CCN lên 28 dự án với tổng diện tích đã cho thuê là 77,3614 ha; Tổng số vốn đăng ký khoảng 2.594,7 tỷ đồng; tỷ lệ lấp đầy bình quân các CCN đã thu hút dự án thứ cấp đạt 56,8%. Năm 2022 giá trị sản xuất công nghiệp trong các CCN trên địa bàn tỉnh ước đạt 1.700 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 1.300 lao động.
Các KCN của tỉnh hiện có 64 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh, các CCN có 15 dự án đầu tư đang hoạt động sản xuất kinh doanh; kết quả sản xuất kinh doanh năm 2021 của các dự án đầu tư trong các KCN: Doanh thu đạt 18,1 tỷ đồng chiếm 44,36% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh (40.550,5 tỷ đồng); giá trị xuất khẩu đạt 690 triệu USD, chiếm 56,6% giá trị xuất khẩu toàn tỉnh (1.218 triệu USD); nộp ngân sách nhà nước đạt 250 tỷ đồng, bằng 4,93% tổng thu ngân sách nhà nước toàn tỉnh.
Song song với việc phát triển các khu, cụm công nghiệp, tỉnh đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường; ban hành Quy chế phối hợp trong công tác quản lý và bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình; tuân thủ quy định đối với các dự án đầu tư vào khu, cụm công nghiệp phải đảm bảo vấn đề về môi trường trong quá trình đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh; thường xuyên tiến hành phân tích, giám sát, quan trắc môi trường các dự án nhằm xử lý kịp thời, khắc phục sự cố môi trường trong khu, cụm công nghiệp, tỉnh đã triển khai đầu tư xây dựng cơ bản hoàn thành 02 Trạm xử lý nước thải tập trung tại khu công nghiệp Bờ trái sông Đà, Yên Quang và 01 Trạm xử lý nước thải tại Cụm công nghiệp Phú Thành II, hiện tại đang triển khai kế hoạch đầu tư Trạm xử lý nước thải tập trung khu công nghiệp Nhuận Trạch, Mông Hóa và một số cụm công nghiệp. Kêu gọi thu hút đầu tư và Quyết định chủ trương 02 dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn, rác thải tại thành phố Hòa Bình và Lạc Thủy với tổng vốn đầu tư 197 tỷ đồng để xử lý chung cho các khu, cụm công nghiệp và rác thải trong khu vực.
Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 của tỉnh và những năm tiếp theo, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh yêu cầu các cấp ủy, chính quyền các cấp, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới như: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí tầm quan trọng và lợi ích lâu dài của việc phát triển khu, cụm công nghiệp. Khẩn trương hoàn thiện, ban hành và triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển các khu, cụm công nghiệp tỉnh Hòa Bình đến năm 2030, Tiếp tục nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo đầu tư phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp của tỉnh; phát huy đúng vai trò của Ban chỉ đạo trong việc tham mưu cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách, quy định, chỉ đạo, điều hành nhằm thúc đẩy công tác đầu tư phát triển hạ tầng trong và ngoài hàng rào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về các thủ tục đầu tư, pháp lý, hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng,...trong quá trình triển khai thực hiện dự án của các nhà đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp và các nhà đầu tư thứ phát trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh./.