Trong giai đoạn qua (2011 - 2015) đã có 09 dự án cấp Bộ và đề tài cấp tỉnh được nghiên cứu và ứng dụng thành công, trong số đó có 40% các đề tài về lĩnh vực khoa học nông nghiệp. Qua nghiên cứu đã lựa chọn được các giống cây trồng, vật nuôi thế mạnh của tỉnh có năng suất cao, chất lượng tốt, có sức chống chịu sâu bệnh và phù hợp với sinh thái của tỉnh. Những thành tựu trên đã góp phần tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao trong toàn tỉnh như: Vùng sản xuất cam tại huyện Cao Phong, mở rộng sang huyện Kim Bôi, Lạc Thùy; hạt dổi Lạc Sơn, Quýt Nam Sơn, bưởi đỏ Tân Lạc, lặc lày Lương Sơn, nuôi cá tầm trên lòng hồ Hòa Bình.
Việc nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng đều có sự liên kết 4 nhà: Nhà quản lý, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông. Trong 5 năm qua đã có 178 quy trình công nghệ được nghiên cứu, hoàn thiện và chuyển giao. Xây dựng được 62 mô hình sản xuất, trình diễn; đào tạo được trên 100 kỹ thuật viên và tập huấn cho gần 3.000 lượt nông dân. Đã biên tập, in ấn và phát hành trên 5.000 cuốn tập san Thông tin Khoa học và Công nghệ, trên 18.000 cuốn bản tin thông tin kinh tế Khoa học và Công nghệ và thực hiện 22 phóng sự về ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ và các mô hình sản xuất hiệu quả phát trên sóng truyền hình, chuyển tải thông tin tới nhân dân. Từ đó đã giúp người nông dân hình thành tập quán canh tác theo kỹ thuật tiên tiến; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực khoa học kỹ thuật, đội ngũ cán bộ kỹ thuật cho các cơ quan, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn.
Đặc biệt, thời gian qua hoạt động sở hữu trí tuệ được chú trọng thực hiện. Các địa phương đã quan tâm tới việc xác lập và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm đặc sản địa phương, góp phần đẩy mạnh thương mại hóa và nâng cao năng lực cạnh tranh các sản phẩm của tỉnh. Đã xây dựng được nhãn hiệu tập thể rượu cần Hòa Bình, mía tím Hòa Bình, dệt thổ cẩm Mai Châu, hạt dổi Lạc Sơn, quả lạc lày và rau hữu cơ Lương Sơn, xây dựng chỉ dẫn địa lý Cao Phong cho sản phẩm cam của huyện Cao Phong.
Có thể khẳng định rằng việc tập trung nghiên cứu các đề tài, dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp mà đối tượng hướng tới là nông dân, nông thôn là hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và thực tế yêu cầu sản xuất, đời sống hiện nay.
Tuy nhiên, kinh phí chi cho nghiên cứu khoa học – công nghệ còn thấp; kinh phí dành cho chuyển giao các mô hình còn hạn hẹp so với nhu cầu của các hộ dân, do đó từ khâu chuyển giao thực hiện đến khâu triển khai các mô hình còn gặp nhiều khó khăn.
Với thực tế tình hình sản xuất tại địa phương, thời gian tới việc đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vẫn là một nhu cầu bức thiết. Đặc biệt cần xây dựng mô hình ứng dựng tiến bộ kỹ thuật về giống, canh tác, phát triển kinh tế hộ gia đình, phát triển kinh tế vườn nhà bằng những cây ăn quả có múi, vườn, rừng; thúc đẩy phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt, chăn nuôi trâu, bò, lợn bản địa, các cây trồng đặc sản tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao…Để thực hiện các mục tiêu trên, cần tập trung tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến tiến bộ khoa học công nghệ rộng rãi. Đẩy mạnh các dự án ứng dụng khoa học và công nghệ sinh học trong trồng trọt, chăn nuôi và xử lý môi trường; trước hết là thực hiện tốt các mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thuộc các dự án cấp tỉnh và Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 – 2025. Phát triển hệ thống các tổ chức khoa học và công nghệ, đảm bảo điều kiện kỹ thuật thiết yếu đáp ứng yêu cầu nghiên cứu khoa học và chuyển giao các thành tựu khoa học công nghệ đến doanh nghiệp, người dân. Huy động mọi tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư cho sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông sản của tỉnh./.