Sau khi Chỉ thị số 33/2006/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, ngành GDĐT tỉnh ta đã phát động cuộc vận động “Nói không với tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục”. Ngành đã phối hợp với các cơ quan liên quan: Công an tỉnh, Tỉnh Đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Công đoàn Giáo dục, Đài PT-TH tỉnh, Báo Hoà Bình, Hội Khuyến học tỉnh ký chương trình phối hợp hoạt động liên ngành để triển khai thực hiện cuộc vận động. Tiến hành thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện cuộc vận động và ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện cuộc vận động trong từng năm học. Dưới sự chỉ đạo thường xuyên, sát sao của Sở GD-ĐT, các đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh đã tổ chức nghiên cứu, quán triệt nội dung, mục đích của cuộc vận động, đồng thời ký cam kết thực hiện cuộc vận động với 4 nội dung: nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích, nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo và việc ngồi nhầm lớp với 4 đối tượng: cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh và phụ huynh. 100% các trường học đều công bố cam kết thực hiện cuộc vận động tại lễ khai giảng và ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường hàng năm. Ban Chỉ đạo thực hiện cuộc vận động các cấp định kỳ giao ban để đánh giá những kết quả đạt được; kịp thời khuyến khích, động viên các gương tiêu biểu chống tiêu cực cũng như những tồn tại để cùng bàn luận, tìm cách tháo gỡ.
Thực hiện Chỉ thị số 33/2006/CT-TTG của Thủ tướng Chính phủ về “Chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục”, 4 năm qua ngành Giáo dục & Đào tạo tỉnh ta đã nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp của các cấp, các ngành và ủng hộ nhiệt tình của đông đảo cán bộ, giáo viên, học sinh-sinh viên và nhân dân các dân tộc. Nhờ vậy cuộc vận động đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần lập lại kỷ cương trường lớp, đánh giá đúng và từng bước nâng cao chất lượng giáo dục.
Bên cạnh triển khai thực hiện ở các cấp, công tác tuyên truyền, vận động thực hiện cuộc vận động cũng được triển khai sâu để chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục trở thành hành động chung của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân. Đặc biệt trong các dịp như khai giảng năm học mới, kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 hàng năm ngành GD-ĐT đã phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh đưa các tin, bài về cuộc vận động; giới thiệu các gương tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác dạy và học...Bên cạnh đó hàng năm ngành còn tổ chức các cuộc thi viết, vẽ báo tường về đề tài chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục cho học sinh khối THCS và PTTH.
Được triển khai nghiêm túc và đồng bộ ở các cấp học, cuộc vận động chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục được gắn liền với việc đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp dạy học ở các cấp học, ngành học, hướng tới mục tiêu dạy thực chất, học thực chất. Để thực hiện có hiệu quả “Nói không với tiêu cực trong thi cử”, toàn ngành đã tiến hành đổi mới công tác thi, tuyển sinh; chuẩn bị chu đáo, rà soát ở tất cả các khâu trong tổ chức các kỳ thi. Đặc biệt tổ chức coi thi theo hướng tăng cường trách nhiệm của các cá nhân và từng thành viên trong hội đồng coi thi, không bố trí các giám thị, thành tra viên làm việc tại các hội đồng thi có người nhà dự thi, xử lý sai phạm của giáo thị, giám khảo và học sinh vi phạm quy chế thi nghiêm túc, đúng quy định. Đối với “Nói không với bệnh thành tích trong giáo dục”, ngành GD-ĐT đã tiến hành củng cố, kiện toàn Hội đồng thi đua khen thưởng và xây dựng quy trình đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục. Từ năm học 2006-2007, thực hiện thi đua theo các khối đơn vị, trường học, các đơn vị trong khối tự kiểm tra chéo, bình xét kết quả lẫn nhau. Hàng năm từng khối thi đua thực hiện ký cam kết thực hiện cuộc vận động và tiến hành xây dựng các tiêu chí xếp loại, kiểm tra, đánh giá toàn diện các mặt công tác. Nhờ vậy, việc đánh giá thi đua hàng năm trong ngành giáo dục vừa thuận lợi, chính xác, tránh được tình trạng đánh bóng thành tích. Đồng thời, khuyến khích được các đơn vị trong triển khai thực hiện. Qua đó đã phối hợp hiệu quả nội dung “Nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo” với cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”. Trong 4 năm qua các trường học, cấp học luôn kịp thời biểu dương, khen thưởng các thầy giáo, cô giáo có thành tích cao trong công tác giảng dạy vào các dịp kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, sơ kết và tổng kết năm học; bên cạnh đó đã nghiêm túc xử lý hơn 10 trường hợp cán bộ, giáo viên vi phạm pháp luật, đạo đức, lối sống. Nội dung “Nói không với việc cho học sinh không đạt chuẩn lên lớp” luôn được toàn ngành gắn liền với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Vào đầu năm học, các trường đều tiến hành kiểm tra phát hiện các trường hợp học sinh học lực yếu, kém. Trên cơ sở đó phân công giáo viên bồi dưỡng, phụ đạo để các em theo kịp chương trình, đồng thời phối hợp chặt chẽ với gia đình để tạo môi trường giáo dục hiệu quả nhằm giảm thiểu số học sinh “ngồi nhầm lớp” và nâng cao chất lượng giáo dục.
Sau 4 năm triển khai thực hiện, cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” đã đi vào chiều sâu và đạt được những kết quả cụ thể. Góp phần từng bước lập lại kỷ cương trường lớp, phát huy dân chủ trong nhà trường; nâng cao phẩm chất đạo đức cũng như năng lực trình độ của đội ngũ cán bộ, giáo viên; giảm dần tỷ lệ học sinh yếu kém, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực trong giáo dục.