Sau 10 năm thực hiện, công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia của tỉnh ta đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần tạo điều kiện cơ bản để nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh.
Trước khi có quy định ban hành tiêu chuẩn trường học đạt chuẩn quốc gia của Bộ GD&ĐT (Quyết định số 1366/GD-ĐT, ngày 26/4/1997), nhìn chung chất lượng giáo dục của tỉnh ta chưa được quan tâm đúng mức, cơ sở vật chất phục vụ cho giáo dục còn thiếu thốn, cách xa so với chuẩn theo quy định.
Trước khi có quy định ban hành tiêu chuẩn trường học đạt chuẩn quốc gia của Bộ GD&ĐT (Quyết định số 1366/GD-ĐT, ngày 26/4/1997), nhìn chung chất lượng giáo dục của tỉnh ta chưa được quan tâm đúng mức, cơ sở vật chất phục vụ cho giáo dục còn thiếu thốn, cách xa so với chuẩn theo quy định.
Quyết tâm nâng cao chất lượng giáo dục của tỉnh để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn mới, cấp uỷ, chính quyền tỉnh ta luôn đặt nhiệm vụ phát triển giáo dục- đào tạo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế xã hội. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII nhấn mạnh: “Đẩy mạnh hơn nữa xã hội hoá giáo dục, tích cực huy động các nguồn lực ngoài ngân sách, đính chính mức đóng góp xây dựng trường cho phù hợp...Nâng tỷ trọng ngân sách cho hoạt động dạy và học tăng từ 20 đến 25% tổng ngân sách của ngành”. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV cũng chỉ rõ: “ Tăng cường các nguồn đầu tư kết cấu hạ tầng giáo dục đào tạo... Phấn đấu đến năm 2010 có 20% trường đạt chuẩn quốc gia”. Cùng với việc quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện các nội dung của nghị quyết về công tác này, các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương trong tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, tiến hành xây dựng Đề án, kế hoạch triển khai thực hiện trong từng năm, từng giai đoạn. Bên cạnh đó ngành GD&ĐT đã chỉ đạo sát sao theo ngành dọc đến các phòng GD&ĐT, các trường học triển khai thực hiện công tác này. Các phòng GD&ĐT và mỗi đơn vị trường học đều thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, lập kế hoạch triển khai thực hiện, thường xuyên rà soát các tiêu chuẩn đạt và chưa đạt để tìm ra các biện pháp khắc phục kịp thời.
Với những nỗ lực đó, tính đến cuối năm 2010, tỉnh ta đã có 112 trường đạt chuẩn quốc gia (đạt tỷ lệ 16%) trong đó có 19 trường mầm non (8,6%), 63 trường tiểu học (29%), 27 trường THCS (13%) và 3 trường THPT (7,9%). Các địa phương thực hiện tốt công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia là: Thanh phố Hoà Bình (23 trường), Lạc Thuỷ (12 trường), Lương Sơn (12 trường), Tân Lạc (10 trường). Tuy nhiên theo đánh giá chung tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia của tỉnh ta còn chậm, việc đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn giữa các cấp học còn mất cân đối. Nguyên nhân là do một số địa phương chưa thực sự nhận thức đúng vai trò của giáo dục đào tạo nên chưa quan tâm đúng mức đối với công tác này. Mặt khác nguồn kinh phí đầu của nhà nước đầu tư cho giáo dục còn thấp, trên 80% nguồn kinh phí dành chi trả lương và phụ cấp cho cán bộ, giáo viên, đóng góp của nhân dân còn hạn chế. Một số đơn vị trường học chưa thực hiện nghiêm túc công tác này, chưa kịp thời khắc phục những khó khăn, hạn chế trong từng tiêu chuẩn. Chất lượng giáo dục tại các trường vùng sâu, vùng xa còn thấp...
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, hoàn thành mục tiêu đề ra đến năm 2015 (25% trường mầm non, 50% trường tiểu học, 35% trường THCS, 23% trường THPT đạt chuẩn quốc gia và 3 TTGDTX đạt chuẩn cấp tỉnh). Hội nghị tổng kết 10 năm xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia (2000-2010) đã chỉ rõ trong những năm tiếp theo giáo dục tỉnh ta rất cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên; sự phối hợp triển khai kịp thời; sự quan tâm đầu tư đúng mức của các cấp uỷ đảng, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh. Ngành giáo dục cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ sau: Quy hoạch tổng thể xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia theo đề án nâng cao chất lượng giáo dục giai đoạn 2011-2015 đồng thời chỉ đạo tổ chức thực hiện theo đúng tiến độ. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho trường học, việc đầu tư kinh phí cần tập trung vào các trường đang xây dựng đạt chuẩn quốc gia, tránh đầu tư dàn trải. Thực hiện đổi mới nội dung và phương pháp trong dạy học để không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, trong đó quan tâm tới việc nâng cao chất lượng giáo dục tại các vùng khó khăn trong tỉnh. Tiếp tục xây dựng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đảm đủ số lượng, chất lượng cho các ngành học, cấp học theo quy định. Đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục để huy động được mọi nguồn lực từ xã hội cho giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ theo tinh thần “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Phát huy tốt vai trò của Hội Khuyến học, Hội Cựu giáo chức, Ban đại diện cha mẹ học sinh, Trung tâm học tập cộng đồng để xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, toàn diện cho học sinh. Tiến hành quy hoạch mặt bằng để xây dựng các trường học theo quy định.