Kết quả tổng hợp từ năm 2015 đến năm 2019 toàn tỉnh có 1.527 vụ bạo lực gia đình, trong đó: Bạo lực tinh thần 862 vụ, bạo lực thân thể 445 vụ, bạo lực kinh tế 192 vụ, bạo lực tình dục 28 vụ nạn nhân bị bạo lực gia đình chủ yếu là nữ chiếm gần 90%.
Theo báo cáo của Công an tỉnh, các vụ về bạo lực gia đình xảy ra từ tháng 11/2017 đến tháng 3/2020, toàn tỉnh có 35 vụ với 35 đối tượng, cụ thể: hiếp dâm 05 vụ với 05 đối tượng; cố ý gây thương tích 24 vụ với 24 đối tượng; giết người 05 vụ với 05 đối tượng gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác an ninh trật tự tại địa phương. Số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh hàng năm có chiều hướng giảm nhưng số vụ bạo lực gia đình nghiêm trọng có chiều hướng tăng.
Bạo lực gia đình đã và đang trở thành một vấn đề xã hội nhức nhối gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng mà trước hết là vi phạm đến quyền con người, danh dự, nhân phẩm và tính mạng của mỗi cá nhân, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em. Tư tưởng gia trưởng và hạn chế trong nhận thức của bộ phận người dân đã ảnh hưởng nặng nề tới đời sống và quyền của phụ nữ. Trong cuộc sống hôn nhân, bạo lực gia đình rất khó được nhận biết do bị che phủ bởi những mong đợi truyền thống, những quy tắc chuẩn mực, đạo đức liên quan đến giới. Từ đó đã làm cho bạo lực gia đình trở nên “bình thường” và phụ nữ không muốn lên tiếng khi bị bạo lực.
Nguyên nhân là do chưa làm tốt công tác truyền thông về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Bình đẳng giới; Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Trẻ em và những quan điểm, chính sách của Đảng về bình đẳng giới và giải quyết tình trạng bạo lực gia đình. Mặt khác do ảnh hưởng của kinh tế thị trường nên giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình như hiếu nghĩa, thủy chung, kính trên nhường dưới đang có biểu hiện xuống cấp. Tệ nạn ma túy, cờ bạc, rượu chè, mại dâm đang xâm nhập vào các gia đình; đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình các cấp không ổn định, thiếu cán bộ chuyên trách làm công tác gia đình, kinh phí đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình còn hạn chế.
Nhằm hạn chế tình trạng bạo lực gia đình, tỉnh Hòa Bình đã xây dựng đề án phòng, chống bạo lực gia đình với mục tiêu đến năm 2025 có 95% trở lên hộ gia đình được phổ biến, tuyên truyền và cam kết thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình; bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực gia đình; xâm hại tình dục trẻ em trong gia đình; ngăn chặn các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình. Có 100% nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn được truyền thông và trang bị kiến thức cơ bản về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình.
Để thực hiện mục tiêu đó, trong công tác truyền thông cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác gia đình trên địa bàn tỉnh. Tăng cường sự chỉ đạo của các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội tham gia tuyên truyền, vận động đối với các tầng lớp nhân dân về công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình và phòng, chống xâm hại trẻ em trong gia đình. Phát huy, ngăn chặn những biểu hiện xuống cấp về đạo đức, lối sống từ trong gia đình; tích cực bảo vệ trẻ em, nhất là trẻ em gái. Tuyên truyền giới thiệu, nhân rộng những mô hình gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, phát triển bền vững; gia đình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát triển kinh tế giỏi; gia đình thực hiện tốt bình đẳng giới; gia đình hiếu học; gia đình giữ gìn truyền thống tốt đẹp; gia đình phát huy giá trị đạo đức tốt đẹp của gia đình truyền thống các dân tộc. Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trong đó nâng cao chất lượng xây dựng “Gia đình văn hóa”./.