DetailController

Giáo dục

Đẩy mạnh công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho người lao động

02/04/2013 00:00
Trong những năm qua, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) cho người lao động trong các loại hình doanh nghiệp luôn được các cấp, ngành, đoàn thể của tỉnh quan tâm. Qua đó, đã góp phần vào việc bảo vệ quyền và lợi ích cho người lao động, thúc đẩy nền kinh tế- xã hội của tỉnh phát triển.

 Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 2.000 doanh nghiệp với gần 60.000 công nhân lao động. Thông qua các hình thức như họp tổ công nhân tự quản, tìm hiểu tủ sách pháp luật và tư vấn pháp luật... đã có trên 40.000 lượt người sử dụng lao động và người lao động tại các doanh nghiệp được tập huấn, tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà trong các doanh nghiệp góp phần phục vụ sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh. Đồng thời, qua tuyên truyền vận động, một số doanh nghiệp đã chú trọng quan tâm đến đời sống người lao động như: hỗ trợ thêm chi phí ăn, ở, sinh hoạt và có nhà gửi trẻ cho người lao động. Đặc biệt là ý thức của người lao động được nâng cao, do đó không có tình trạng bãi công, đình công vi phạm Luật lao động.  

Công tác kiểm tra và phối hợp kiểm tra việc thi hành pháp Luật lao động và Luật Công đoàn cũng được chú trọng thực hiện. Qua kiểm tra đã phát hiện và kịp thời hướng dẫn các cơ quan, doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các chế độ đối với người lao động như: ký hợp đồng lao động, đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm Y tế, Bảo hiểm thất nghiệp, cấp Sổ lao động và quan tâm đến việc đảm bảo an toàn vệ sinh lao động... Qua đó, đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục và từng bước làm chuyển biến nhận thức ở các cấp Công đoàn về vị trí, vai trò của công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cũng như nâng cao nhận thức, hiểu biết Luật lao động cho người lao động và người sử dụng lao động. Ngoài những hình thức tuyên truyền phổ thông như tuyên truyền miệng, bằng tài liệu hoặc thông qua các phương tiện truyền thông báo, đài…, các Tiểu đề án của tỉnh Hòa Bình còn đổi mới hình thức tuyên truyền thông qua việc tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, phát hành tờ rơi, băng đĩa với các nội dung quy định về Luật lao động, Luật công đoàn, Luật bảo hiểm xã hội và Luật hợp tác xã và đặc biệt là đã tổ chức thành công cuộc thi “Tìm hiểu về Bộ Luật lao động” thu hút đông đảo người lao động, người sử dụng lao động trong toàn tỉnh tham gia với tổng số 25.000 bài dự thi.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho người lao động trong các loại hình doanh nghiệp ở tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn: Cán bộ chuyên trách cho công tác tuyên truyền còn thiếu, phải kiêm nhiệm nhiều; kinh phí thực hiện tuyên truyền còn hạn chế; một số doanh nghiệp thực hiện chính sách còn mang  hình thức lách luật, không mặn mà với công tác này; công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động ở khu vực ngoài Nhà nước trên địa bàn tỉnh chưa được thực hiện thường xuyên và đồng bộ. Nhiều chủ doanh nghiệp chưa thật sự quan tâm đến việc phối hợp với công đoàn để phổ biến giáo dục pháp luật cho người lao động và hầu hết chưa có tủ sách pháp luật….

Theo ông Lưu Thanh Tái, Trưởng phòng lao động Tiền lương & BHXH- Sở Lao động - thương binh xã hội:  Để công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực sự phát huy được hiệu quả trong thời gian tới, các cấp Công đoàn cần nghiên cứu đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, lựa chọn nội dung sát thực với từng nhóm đối tượng. Trong đó, ưu tiên công nhân lao động trực tiếp sản xuất, công nhân ở các doanh nghiệp tư nhân, ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa; Tiến hành chỉ đạo điểm và khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật lao động và các pháp luật khác liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp để báo cáo, nhân rộng; lựa chọn, bồi dưỡng và nhân điển hình thông qua các hoạt động tham quan, gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, ký giao ước thi đua; bồi dưỡng tập huấn cho đội ngũ cán bộ, báo cáo viên, tuyên truyền viên làm công tác tuyên truyền. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành, các cơ quan liên quan tăng cường công tác phối hợp, bố trí kinh phí thực hiện Đề án, giám sát, kiểm tra định kỳ việc thực hiện pháp luật trong lĩnh vực lao động tại các loại hình doanh nghiệp, đồng thời tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án “Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp”…. ./.