Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Minh Thành cho biết, là một ngành lớn, địa bàn hoạt động rộng, quy mô trường lớp phát triển nhanh, một số chi bộ ở các xã vùng khó khăn phải sinh hoạt lồng ghép nên chưa chủ động và chưa có nhiều biện pháp cụ thể tăng cường công tác Đảng trong trường học. Do đó sự phối kết hợp trong công tác Đảng từ Đảng bộ Sở đến các chi bộ, đảng bộ các phòng giáo dục và đào tạo, chi bộ các đơn vị trực thuộc chưa chặt chẽ, đồng bộ. Việc đề bạt cất nhắc cán bộ, giáo viên đi học nâng cao trình độ lý luận chính trị hoặc cất nhắc đề bạt vào các chức vụ chủ chốt của đơn vị, trường học đôi khi ở một vài địa phương còn chưa thống nhất gây khó khăn cho đơn vị, trường học. Tuy nhiên, được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối kết hợp của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, các huyện, thành phố nên công tác đảng trong ngành vẫn đạt được những kết quả khích lệ, nhất là công tác phát triển đảng viên mới. Cùng với các hoạt động chuyên môn, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, củng cố tổ chức Đảng, đoàn thể quần chúng, phát triển đảng viên mới trong các đơn vị, trường học được quan tâm chú trọng. Theo đó, số lượng đảng viên trong ngành phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Đây thực sự là lực lượng quan trong, nhân tố đi đầu trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo tại các nhà trường, cơ sở giáo dục.
Đến nay, toàn ngành Giáo dục và Đào tạo có 740 chi bộ, tăng 425 chi bộ so với năm 1997. Trong số 740 chi bộ có 41 chi bộ ghép, trong đó có 35 chi bộ ghép giữa trường mầm non với tiểu học, hoặc trường tiểu học với THCS ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và 6 chi bộ ghép ngoài ngành; 100% các trường có đảng viên. Các chi bộ, đảng bộ nhà trường đã thực sự là hạt nhân lãnh đạo toàn diện các hoạt động tại các đơn vị, trường học. Hàng năm, qua phân loại tổ chức Đảng, toàn ngành có hơn 98% chi, đảng bộ đạt danh hiệu tổ chức cơ sở Đảng trong sach, vững mạnh. Tính đến hết năm 2012, toàn ngành có 9.429 đảng viên, đạt tỷ lệ 44,4% so với tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên trong ngành, tăng 7.242 đảng viên so với năm 1997. Trong đó có 6.828 đảng viên nữ, chiếm 72,4%; 4.064 đảng viên là người dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 43%. Ngoài ra, ngành cũng tiến hành xây dựng, bổ sung quy chế hoạt động của tổ chức Đảng, quy chế thực hiện dân chủ, làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng, thực hiện nghiêm túc chế độ tự phê bình và phê bình; phát huy quyền làm chủ của quần chúng, chống quan liêu, tham nhũng và các biểu hiện tiêu cực khác. Ngành cũng luôn quán triệt sâu sắc các quan điểm của Đảng, Nhà nước là xây dựng một đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục vững mạnh về mọi mặt để đáng ứng được đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Xác định, nhà giáo đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng Giáo dục và Đào tạo và nghiên cứu khoa học, trong đó đội ngũ cán bộ quản lý có tầm quan trọng rất to lớn trong việc điều hành một hệ thống giáo dục đang ngày càng mở rộng và phát triển theo xu thế chung của đất nước. Nếu đội ngũ cán bộ quản lý không điều hành tốt thì đội ngũ nhà giáo sẽ khó đóng vai trò tốt trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
Không chỉ dừng lại ở đó, ngành Giáo dục và Đào tạo cũng luôn tích cực tạo nguồn, làm tốt công tác phát triển đảng viên trong cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên. Ngoài ra, ngành Giáo dục và Đào tạo cũng rất coi trọng công tác phát triển đảng viên là giáo viên trực tiếp giảng dạy thuộc các ngành học, cấp học. Trong 15 năm qua, tỷ lệ đảng viên là giáo viên trực tiếp đứng lớp các ngành, cấp học tăng đáng kể. Tính đến nay, toàn ngành có 6.971 đảng viên là giáo viên, trong đó có 1.515 đảng viên giáo viên mầm non; 2.360 đảng viên giáo viên tiểu học, 2.180 đảng viên giáo viên THHCS, 107 đảng viên giáo viên trường PTDTNT huyện, liên xã, 637 đảng viên giáo viên THPT, 94 đảng viên là giáo viên TTGDTX, TT Ngoại ngữ tin học, Trung tâm KTTH-HN và 78 đảng viên là giảng viên, giáo viên các trường CĐSP, Trung học Kinh tế kỹ thuật.
Cùng với việc chú trọng đến công tác phát triển đảng viên mới, ngành Giáo dục và Đào tạo cũng chú trọng đến bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên. Đến nay có 18.293 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên tham gia lớp tìm hiểu về Đảng. Sau khi được cử đi học lớp tìm hiểu và được kết nạp vào Đảng, ý thức tổ chức kỷ luật, tính xung kích trong các hoạt động của các nhà trường và việc thực hiện các công việc được giao thể hiện rõ nét như các đối tượng là sinh viên khá, giỏi, chăm ngoan, là cán bộ lớp, cán bộ đoàn năng động, có trách nhiệm; các đối tượng là giáo viên được giao những trọng trách trong nhà trường như bí thư đoàn, chủ tịch công đoàn, tổ trưởng chuyên môn...Hiệu quả phấn đấu của những đoàn viên ưu tú được kết nạp vào Đảng đã tác động tích cực đến các quần chúng trong các nhà trường, động viên họ tiếp tục phấn đấu, có mục đích trong sáng...Nét mới trong công tác xây dựng Đảng trong trường học là 15 năm qua, toàn ngành đã kết nạp được 86 sinh viên ưu tú đứng trong hàng ngũ của Đảng. Theo đó, trên cơ sở bảo đảm chất lượng, đổi mới công tác giáo dục, nâng cao ý thức tự giác phấn đấu của quần chúng vì lý tưởng của Đảng, thông qua các phong trào thi đua dạy, học và lao động sáng tạo để tạo nguồn bổ sung nhân tố mới cho Đảng.
Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh, vốn là loại hình trường chuyên biệt, đào tạo con em người dân tộc thiểu số trở thành cán bộ nguồn cho các địa phương. Những năm qua, ngoài việc hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy, chăm sóc, học tập, nuôi dưỡng học sinh thì nhà trường cũng chú trọng đến công tác phát triển đảng viên. Thầy giáo Nguyễn Văn Chắp, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú cho biết, để các em học sinh được cử đi học cảm tỉnh Đảng, ngoài điều kiện có kết quả học lực khá trở lên, giành giải cao trong các kỳ thi thì bắt buộc các em phải có phẩm chất đạo đức, lối sống lành mạnh, tích cực tham gia các hoạt đông, phong trào của nhà trường. Do đó, nhà trường luôn quan tâm đến công tác đào tạo nguồn và giúp đỡ các em phát huy hết khả năng, năng lực của mình trong học tập cũng như các hoạt động xã hội. Việc học sinh được kết nạp Đảng trong nhà trường không chỉ có tác dụng đối với các em mà còn có sức lan tỏa đến sự phấn đấu trong học tập, rèn luyện chung của các em học sinh tại trường. Từ đó giúp các em sớm giác ngộ lý tưởng của Đảng, có ý thức phấn đấu, vươn lên trong học tập cũng như để trở thành đảng viên. Trung bình hiện nay, mỗi năm nhà trường xét duyện và cử đi học khoảng 6 đến 8 học sinh ưu tú đi học các lớp cảm tình Đảng. Do các em chưa đủ tuổi được kết nạp nên nhà trường sẽ hoàn thiện hồ sơ chuyển về những đơn vị các em học tập sau này. Từ việc làm tốt công tác phát triển nguồn đảng viên nên nhà trường đã thu hút được nhiều đoàn viên, thanh niên trong nhà trường tích cực tham gia các hoạt động, phong trào thi đua, rèn luyện cũng như phong trào học tập. Có nhiều em đã trở thành nòng cốt trong các phong trào, hoạt động tại trường.
Nhằm phát huy những kết quả trong công tác đảng cũng như phát triển đảng viên mới, thời gian tới ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh sẽ tăng cường củng cố các chi, đảng bộ trường học; chon cử cán bộ, giáo viên, công nhân viên, học sinh, sinh viên tham dự các lớp bồi dưỡng cảm tỉnh Đảng; mở các lớp chuyên đề giới thiệu về Đảng; tổ chức các hội thảo bàn về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với học sinh, sinh viên; phối hợp với các tổ chức đảng tăng cường công tác kiểm tra các chi, đảng bộ trường học, kịp thời nêu gương các chi, đảng bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; kiên quyết xử lý các chi bộ trường học, các đảng viên không hoàn thành nhiệm vụ; phối hợp chặt chẽ với các huyện, thành ủy với các ban của Đảng tăng cường công tác Đảng trong các nhà trường. Xây dựng các chuẩn đánh giá học sinh, sinh viên để kết nạp sinh viên ưu tú vào Đảng phù hợp, đúng tiêu chuẩn, chất lượng trên cơ sở động viên, khích lệ học sinh, sinh viên có ý thức vươn lên trong học tập và mọi mặt công tác...