Đa số các dân tộc vẫn còn giữ được những nét cơ bản trong phong tục tập quán, tín ngưỡng của dân tộc mình. Các giá trị di sản về văn học nghệ thuật, ngôn ngữ được bảo tồn; các tri thức dân gian, trang phục còn được lưu giữ. Thông qua công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể để giới thiệu quảng bá về hình ảnh vùng đất con người Hòa Bình cho các du khách trong và ngoài nước, tạo điều kiện để thực hiện chiến lược phát triển du lịch Hoà Bình góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Xác định di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc Hoà Bình là tài sản vô giá của các thế hệ cha ông ta để lại cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, do vậy công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa đã được các cấp các ngành quan tâm thực hiện. Trong những năm qua được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng với sự nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương công tác bảo tồn phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể đã đạt nhiều kết quả tích cực. Các lễ hội truyền thống; sự phát triển của Chiêng Mường; giá trị của Mo Mường và vai trò của các ông Mo đã được nhân dân coi trọng, tôn vinh. Đã xuất hiện nhiều lóp truyền dạy chữ Dao, Tày, Thái, Mông và trình tấu Chiêng Mường, múa Mường đã được phục dựng và duy trì.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có 01 làng văn hóa truyền thống; hàng chục làng văn hóa du lịch cộng đồng cấp tỉnh; gần 30 đề tài khoa học về văn hóa, dân tộc được triển khai; mở 50 lớp truyền dạy nghệ thuật dân gian, hàng trăm lóp dạy chữ dân tộc; phục dựng và duy tri 59 lễ hội.
Thực hiện Luật Di sản văn hoá và Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL ngày 30/6/2010 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về việc kiêm kê di sản văn hoá phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hoá phi vật thể đưa vào danh mục di sản phi vật thể quốc gia. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành kế hoạch kiểm kê di sản văn hoá phi vật thể các dân tộc tỉnh Hoà Bình. Tổng số đã kiểm kê được 786 di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc trong tỉnh.
Tỉnh ủy và ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình đã có chủ trương cho phép tổ chức tiến hành sưu tầm, nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học cho 02 di sản văn hóa phi vật thể đó là Mo Mường Hòa Bình và Nghệ thuật Chiêng Mường Hòa Bình đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định công nhận đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2016. Tổ chức xây dựng bộ chữ phiên âm tiếng Mường từng bước áp dụng vào nhân dân. Xây dựng hồ sơ Di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường Hòa Bình trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu cần bảo vệ khẩn cấp.