Nhằm tạo thêm việc làm tăng thu nhập cho người dân ổn định cuộc sống, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, từng bước đưa nền kinh tế nông thôn ngày càng phát triển. Năm 2006, huyện uỷ Tân Lạc đã ra Nghị quyết số 04/NQ-HU về phát triển chăn nuôi trâu, bò hàng hoá giai đoạn 2006-2010 với mục tiêu cụ thể :Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hoá, đưa ngành chăn nuôi thành ngành sản xuất chính. Phấn đấu đến năm 2010, dưa tỷ trọng ngành chăn nuôi đạt trên 40% trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp toàn huyện, tốc độ tăng trưởng hàng năm là từ 8-10% đối với đàn trâu, đàn bò từ 14-16%.
Để đạt được tiêu chí phát triển chăn nuôi trâu, bò đạt hiệu quả, ngay từ đầu năm 2007 huyện Tân Lạc đã xây dựng kế hoạch và tập trung chỉ đạo người dân phát triển kinh tế gia đình. Bước đầu huyện khảo sát, quy hoạch vùng chăn nuôi ; chú trọng chuyển một phần đất đồi, bưa bãi và ruộng cấy một vụ bấp bênh sang trồng các loại cây làm thức ăn cho trâu bò như cỏ Voi, cỏ VA06, mía...Huy động các nguồn vốn, các chương trình dự án cho nông dân vay để đầu tư phát triển nhanh đàn trâu bò trong huyện...Hình thức chăn nuôi tận dụng lợi thế tài nguyên lãng phí trước đây tận dụng trồng cỏ Voi, kết hợp với chăn thả tại chỗ, nhân rộng mô hình chăn nuôi trâu bò thịt theo hình thức nuôi nhốt vỗ béo. Kết hợp sử dụng nguồn thức ăn tự nhiên sẵn có với nguồn phế phụ phẩm của ngành trồng trọt như rơm, rạ, lá mía, cây ngô, dây khoai lang, thân cây lạc, củ sắn nấu...Kết hợp chuồng trại sạch sẽ, mùa đông che kín gió, lót rơm rạ cho đàn trâu, bò để chống rét.
Đồng thời, tuyên truyền phổ biến kiến thức chăn nuôi, chăm sóc vỗ béo trâu bò đến người dân, nhằm làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm phát huy tiềm năng, thế mạnh về đất đai, nguồn nhân lực dồi dào của địa phương phát triển chăn nuôi phù hợp với thực tế, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Góp phần tạo đàn trâu, bò làm sức kéo, cày, bừa sản xuất nông nghiệp đảm bảo thời vụ gieo cấy. Theo thống kê năm 2009, toàn huyện đã có 14.746 con trâu, với 8.876 con bò. Chất lượng đàn trâu, bò được cải thiện, bình quân đàn trâu đạt 280kg/con, đàn bò đạt 240 kg/con.
Anh Bùi Văn Sinh-Phó chủ tịch UBND xã Thanh Hối cho biết: Lợi thế của chăn nuôi trâu, bò là tận dụng được nguồn đất đai bỏ hoang lãng phí để trồng cỏ nuôi trâu, bò vỗ béo tại chuồng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Mỗi hộ chăn nuôi có thể đem lại lợi nhuận từ 500-700 ngàn đồng/con/ tháng; trong khi đó một lao động có thể chăn nuôi từ 2 đến 4 con trâu , bò, vừa tạo thêm công việc cho lao động dư thừa và thời vụ nông nhàn cho người dân có thêm thu nhập chính đáng. Đến nay tốc độ phát triển kinh tế của xã Thanh Hối đã đem lại thu nhập bình quân 7 triệu đồng/ người/ năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 16%. Mô hình chăn nuôi trâu, bò của xã đã được nhân rộng ra nhiều nơi, nhiều địa phương trong và ngoài huyện đến thăm quan học tập.