Nguồn nhân lực tỉnh ta – “cung” vẫn chưa đáp ứng “cầu”
Ông Đỗ Hải Hồ, Trưởng BQL các KCN tỉnh nhận định: Mặc dù chịu sự ảnh hưởng bởi tình trạng lạm phát, nhưng hoạt động thu hút đầu tư của tỉnh vẫn đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Trong 10 tháng năm 2011, riêng BQL các KCN đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 3 dự án, trong đó có 2 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với số vốn đăng ký đầu tư 25, 5 triệu USD và 20 tỷ đồng, nâng tổng số dự án đầu tư vào các KCN của tỉnh lên 45 dự án, góp phần giải quyết việc làm cho 4.000 lao động (bằng 24,2% tổng số lao động được giải quyết việc làm trong năm).
Tính đến tháng 9/2011, toàn tỉnh đã thu hút được 351 dự án đầu tư, trong đó có 21 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài. Công tác thu hút đầu tư đã góp phần quan trọng trong phát triển KT -XH của tỉnh. Trong năm 2009, các DN và hộ kinh doanh trên địa bàn nộp NSNN hơn 750 tỷ đồng, tổng số lao động làm việc cho các DN khoảng 60.000 người. Năm 2010, các DN và hộ kinh doanh nộp NSNN trên 796 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho khoảng 70.000 người, trung bình mỗi DN sử dụng từ 40-50 lao động. Theo đánh giá nhu cầu lao động tại các KCN trên địa bàn tỉnh hàng năm tăng từ 5-10%, đó là chưa kể hàng năm có thêm các dự án mới được đầu tư vào tỉnh nhà. Đó là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với lao động nông thôn nếu không có phương án quy hoạch đào tạo kịp thời.
Theo điều tra của ngành LĐ -TB&XH, hiện, lực lượng lao động của tỉnh ta khá dồi dào với khoảng 528.000 lao động. Trong đó, số lao động đang làm việc trong các lĩnh vực kinh tế 466.200 người. Với thời gian sử dụng lao động chưa triệt để (khoảng 84%), khu vực nông thôn là nơi có khả năng cung cấp một lượng lao động khá lớn cho các khu vực sản xuất khác. Tuy nhiên, trong các cuộc điều tra, khảo sát về thực trạng lao động ở các KCN cũng như trong các diễn đàn bàn về lao động, việc làm, thu hút đầu tư, có nhiều ý kiến từ phía các DN cho rằng, nguồn nhân lực tỉnh ta khá dồi dào nhưng phần lớn không đáp ứng nhu cầu tuyển dụng vì 2 lý do cơ bản là không có tay nghề và ý thức chấp hành kỷ luật lao động còn hạn chế.
Theo thống kê của KCN Lương Sơn, đến thời điểm hiện tại vẫn còn khoảng 0,3% lao động không biết chữ, 10,5% lao động có trình độ tiểu học, 43,7% lao động có trình độ THCS, 45,5% lao động có trình độ THPT, 75% lao động chưa được học nghề tại các cơ sở dạy nghề, chỉ mới đào tạo qua các lớp đào tạo ngắn hạn của DN. Mới có khoảng 25% công nhân là lao động kỹ thuật có trình độ trung cấp, cao đẳng. Các DN hoạt động trên địa bàn tỉnh quy mô còn nhỏ lẻ, công ty lớn nhất cũng chỉ có thể tạo việc làm thường xuyên cho khoảng từ 500-700 lao động. Nhưng, ngay ở những công ty đứng trong tốp đầu này cũng phải treo biển tuyển lao động quanh năm mà vẫn không thể tuyển dụng đủ NLĐ đáp ứng yêu cầu công việc. Để không lãng phí nguồn nhân lực, thực hiện tốt mục tiêu giải quyết việc làm cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội và thu hút đầu tư có hiệu quả hơn nữa cần coi trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo “cung” đáp ứng “cầu” trong vấn đề lao động, việc làm.
Cần có giải pháp đồng bộ cho việc đào tạo nguồn nhân lực
Đó là lời khẳng định và cũng là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Đinh Duy Sơn, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh tại cuộc giám sát tình hình thực hiện công tác lao động, việc làm năm 2011 của TT HĐND tỉnh tại Sở LĐ -TB&XH. Đồng chí cho rằng, cần phải có giải pháp đồng bộ để các cấp, ngành cần có những chương trình hành động cụ thể góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả công tác đào tạo nghề, để luôn sẵn sàng có một đội ngũ người lao động đáp ứng với yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh CNH -HĐH.
Thực tế những năm gần đây, tỉnh ta đã có những động thái tích cực để đào tạo nguồn nhân lực như: thành lập sàn giao dịch việc làm thuộc Sở LĐ -TB&XH. Mỗi năm tổ chức được khoảng 12 phiên giao dịch. Riêng 10 tháng năm nay đã tổ chức được 4 phiên giao dịch tại trung tâm và 3 phiên giao dịch lưu động thu hút sự tham gia của 97 DN có nhu cầu tuyển dụng. Thông qua hoạt động của sàn giao dịch,
trong năm đã có 3.000 lao động tìm được việc làm, 783 lao động được các DN tuyển dụng trực tiếp. Trong thời gian qua, tỉnh đã có những chương trình cụ thể để hỗ trợ DN nâng cao năng lực quản lý, điều hành cũng như các hoạt động đào tạo nghề cho người lao động; mở 13 lớp đào tạo khởi sự DN, 31 lớp quản trị DN, thực hiện chế độ kế toán và nhiều lớp tập huấn kỹ thuật, cung cấp thông tin, xúc tiến đầu tư, thương mại thu hút gần 3.000 lượt người tham gia. Đã hoàn thành đầu tư giai đoạn 1 trường cao đẳng nghề Hòa Bình, trường trung cấp Kinh tế Kỹ thuật công nghiệp Hòa Bình, một số trường đại học và trung cấp nghề đã và đang hình thành trên địa bàn. Đầu năm 2010, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt đề án “Tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật cho NLĐ và NSDLĐ trong các loại hình DN giai đoạn 2009-2012”. Hiện tại, đang hoàn thiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Hòa Bình đến năm 2020” nhằm thực hiện Nghị quyết của tỉnh đến năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 45%, đến năm 2020 sẽ tăng lên mức 60%.
Đã có nhiều chương trình, kế hoạch được đưa ra cho công tác đào tạo nguồn nhân lực, tuy nhiên, theo nhận định của đồng chí Đinh Duy Sơn, công tác đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh nhà vẫn chưa được triển khai, thực hiện một cách hiệu quả. Một số nguyên nhân có thể xác định là: sự phối hợp giữa đơn vị đào tạo nghề và các DN sử dụng lao động vẫn chưa thực sự nhịp nhàng. Chất lượng đào tạo của các trường, cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh cũng chưa được khẳng định một cách rõ nét... Trên địa bàn tỉnh hiện có 9 trường dạy nghề và 28 cơ sở dạy nghề với quy mô tuyển sinh khoảng 17.000 người /năm. Năng lực đào tạo có thể đảm đương 24 ngành nghề từ trình độ sơ cấp nghề đến cao đẳng nghề. Khoảng trên 80% học viên sau khi tốt nghiệp tìm được việc làm ở các DN, các cơ sở sản xuất trong và ngoài tỉnh. Tuy vậy, công tác tuyển sinh ở các trường nghề vẫn hết sức khó khăn, nhiều trường không đạt chỉ tiêu. Cái khó trong công tác tuyển sinh ở các trường nghề được xác định bởi nhiều lẽ, đó là: nhận thức của không ít người dân về việc học nghề, chọn cho mình một cái nghề để tạo lập cuộc sống vẫn chưa đầy đủ. Một số người dân vùng cao ít khi muốn xa nhà để tiếp cận công việc mới mà chưa hiểu một cách tường tận. Hơn thế, nhiều bạn trẻ có suy nghĩ đã đầu tư cho việc học thì phải học những ngành nghề để làm “thầy” chứ không làm “thợ”. Vì vậy, thừa “thầy”, thiếu “thợ” đã trở thành thực trạng ở tỉnh từ nhiều năm nay. Để khắc phục được tình trạng này cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để tuyên truyền cho người lao động hiểu rõ tầm quan trọng của việc học nghề.
Hiện tại, tỉnh ta đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ công tác thu hút đầu tư, điều đó hứa hẹn trong tương lai không xa sẽ có sự chuyển biến về cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động. Vì vậy, quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực là việc làm cấp bách cần được coi trọng. Bàn về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Trung Dũng, Giám đốc Sở LĐ -TB&XH cho biết: Bộ LĐ -TB&XH đang có hướng đầu tư cho tỉnh ta 3 nghề trọng điểm gồm: công nghệ ô tô, công nghệ thông tin và hướng dẫn viên du lịch. Theo định hướng chiến lược phát triển KT -XH của tỉnh trong thời gian tới, đây là những ngành nghề có hướng phát triển tốt, các cấp, ngành hữu quan cần tập trung triển khai, thực hiện có hiệu quả để góp phần củng cố nguồn nhân lực, tạo thêm hướng mở cho thu hút đầu tư làm động lực cho mục tiêu phát triển KT -XH của tỉnh.