Trong 5 năm (2017-2022), toàn tỉnh đã cử 460 cán bộ đi đào tạo cao cấp lý luận chính trị tại Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Khu vực I và tại tỉnh. Trường Chính trị tỉnh đã mở 64 lớp trung cấp lý luận chính trị - hành chính cho 4.329 học viên; Trung tâm chính trị các huyện, thành phố đã mở 51 lớp sơ cấp lý luận chính trị cho 2.657 học viên. Qua đó đã xác định trình độ sơ cấp lý luận chính trị cho gần 10.000 cán bộ, đảng viên. Đối với công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, Trường Chính trị tỉnh đã mở 255 lớp cho 18.045 học viên; trung tâm chính trị các huyện, thành phố và các đảng ủy trực thuộc đã mở được 138 lớp bồi dưỡng cập nhật kiến thức và lãnh đạo quản lý cấp phòng cho 11.813 đồng chí.
Kết quả đó góp phần nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, đảng viên của Đảng bộ tỉnh. Hiện toàn tỉnh có 510 tổ chức cơ sở Đảng với 68.478 đảng viên. Trình độ chuyên môn từ Trung cấp, Công nhân kỹ thuật trở lên là 43.633 đảng viên, chiếm 65,5%. Trong đó, trình độ Cao đẳng, Đại học là chiếm 37,78%; trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ chiếm 1,02%. Trình độ lý luận chính trị, từ Sơ cấp trở chiếm tỷ lệ 46,18% tổng số đảng viên. Trong đó, có 3.027 đảng viên có trình độ Cao cấp, 10.503 đảng viên trình độ Trung cấp lý luận chính trị.
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Quyết định vẫn tồn tại một số hạn chế. Việc tuyên truyền, học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Quyết định chưa được quan tâm đúng mức; công tác phối hợp tham mưu và triển khai thực hiện có lúc chưa chặt chẽ, còn chồng chéo; nhiệm vụ rà soát đối tượng ở một số cơ sở để cử đi đào tạo chưa sâu sát và thường xuyên; tỷ lệ đảng viên trong toàn tỉnh chưa được đào tạo về trình độ lý luận còn cao, chiếm 53,8% tổng số đảng viên toàn tỉnh.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quyết định số 567-QĐ/TU, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục đẩy mạnh việc học tập, quán triệt, tuyên truyền, qua đó nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc học tập lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, bồi dưỡng cập nhật kiến thức. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền đối với công tác học tập lý luận chính trị, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng, Nhà nước, của tỉnh quy định chế độ học tập lý luận chính trị, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, bồi dưỡng cập nhật kiến thức đối với cán bộ, đảng viên. Kịp thời ban hành các văn bản nhằm cụ thể hóa. Nâng cao tỷ lệ đảng viên được đào tạo về trình độ lý luận chính trị, nhất là cán bộ đảng viên ở cơ sở. Gắn kết và thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, cập nhật kiến thức với công tác quy hoạch, sử dụng cán bộ theo tiêu chuẩn chức danh của từng giai đoạn. Đổi mới và nâng cao chất lượng dạy và học của Trường Chính trị tỉnh; hệ thống trung tâm chính trị các huyện, thành phố và các cơ sở đào tạo lý luận, chuyên môn nghiệp vụ khác./.