Toàn tỉnh hiện nay có 11 trường PTDTNT, 5 trường PTDT bán trú, 142.458 HS là người dân tộc thiểu số. Nhằm đổi mới quản lý giáo dục, ưu tiên giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ngành GD&ĐT đã chọn hai năm 2013, 2014 là “Năm giáo dục vùng khó khăn” và chỉ đạo thực hiện với mục đích nhằm nâng cao lên một bước chất lượng giáo dục toàn diện vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh. Từ nhiều nguồn vốn khác nhau, cơ sở vật chất, trang thiết bị các trường vùng khó khăn tiếp tục được tăng cường. Năm 2014, Sở GD&ĐT làm chủ đầu tư xây dựng 03 công trình nguồn vốn ngân sách tỉnh, tổng mức đầu tư trên 23 tỷ đồng. Sở đã phối hợp với Sở KH&ĐT, Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh phân bổ vốn và phê duyệt danh mục đầu tư các trường mầm non, tiểu học và THCS trên địa bàn tỉnh do UBND các huyện, thành phố làm chủ đầu tư 09 công trình, tổng mức đầu tư trên 75 tỷ đồng. Năm 2015, 01 công trình của trường THPT Sào Báy được bàn giao đưa vào sử dụng. Sở GD&ĐT đang bước đầu triển khai đầu tư 04 công trình từ chương trình phát triển giáo dục vùng khó khăn nhất tại 4 huyện Lạc Sơn, Kim Bôi, Mai Châu, Cao Phong, kinh phí khoảng trên 15 tỷ đồng. Đối với các trường Mầm non, Tiểu học, THCS thuộc vùng khó khăn tiếp tục được hưởng vốn để hoàn thành các công trình đang thực hiện.
Về mua sắm các trang thiết bị, năm 2014 các đơn vị, trường học vùng khó khăn đã được mua sắm bổ sung, nhận hỗ trợ thiết bị dạy học tối thiểu, kinh phí trên 1 tỷ đồng; mua sắm bổ sung, nhận hỗ trợ sách giáo khoa và tài liệu giảng dạy, kinh phí 993 triệu đồng và 908 triệu đồng cho các thiết bị dạy học ngoài danh mục tối thiểu. Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia, Sở GD&ĐT đã hoàn thiện mua sắm thiết bị đồ chơi trong lớp cho 05 trường mầm non; thiết bị đồ chơi ngoài trời cho 06 trường mầm mon vùng khó khăn, thiết bị làm quen tin học cho 7 trường. Ngoài ra, Sở còn mua sắm sách vở cho trên 17.500 HS tiểu học, trên 11.500 HS THCS, trên 3.000 HS THPT thuộc đối tượng hộ nghèo từ nguồn vốn trợ cước, trợ giá và hỗ trợ chính sách cho người nghèo. Mua sắm sách, tài liệu cho giáo viên và HS của 40 trường tiểu học tham gia dự án chương trình đảm bảo chất lượng trường học (SEQAP).
Bên cạnh hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, ngành GD&ĐT còn thực hiện nhiều chính sách, chế độ ưu đãi cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh dân tộc, HS diện chính sách xã hội, vùng KTXH đặc biệt khó khăn như: Chế độ học bổng, miễn giảm học phí, hỗ trợ gạo, chăm sóc sức khỏe cho các em…Hằng năm, chủ động bố trí, sắp xếp cán bộ quản lý và nhà giáo có trình độ chuyên môn giỏi, có tâm huyết cho các trường vùng đặc biệt khó khăn nhằm tăng cường và nâng cao chất lượng giáo dục.
Tính đến nay, có 26 trường mầm non, phổ thông thuộc các xã vùng đặc biệt khó khăn đạt chuẩn quốc gia, chiếm 11,3% so với tổng số trường đạt chuẩn quốc gia toàn tỉnh, 8/11 trường Phổ thông dân tộc nội trú đạt chuẩn. Chất lượng xếp loại hai mặt giáo dục đối với học sinh dân tộc được củng cố. Năm học 2014 – 2015, toàn tỉnh có 8 học sinh dân tộc đạt giải trong kỳ thi chọn lọc học sinh giỏi quốc gia, trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT có 01 học sinh đạt giải. Công tác phổ cập giáo dục được duy trì và nâng cao, 100% xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học – chống mù chữ, phổ cập trung học cơ sở; 99,5% xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Phấn đấu đến năm 2015, xã Hang Kia đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi.