DetailController

Quốc phòng - An ninh

Đầu tư phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc Mông hai xã Hang Kia và Pà Cò

03/03/2023 09:16
Xã Hang Kia và Pà Cò là hai xã vùng cao của huyện Mai Châu cách trung tâm huyện lỵ Mai Châu khoảng 40 km về phía Tây Bắc. Cửa ngõ của 2 xã là vị trí tiếp giáp với huyện Vân Hồ (Sơn La) trên Quốc lộ 6. Tổng số hộ trên địa bàn hai xã đến hết năm 2022 là 1.328 hộ (Hang Kia 713 hộ; Pà Cò 615 hộ), trong đó dân tộc Mông chiếm 99,5% (còn lại 0,5% là dân tộc Thái và dân tộc Kinh mới đến cư trú tại địa bàn 2 xã) phân bố đều khắp trên địa bàn 11 xóm, bản của 2 xã. Đến nay dân cư của 11 xóm đều sinh sống ổn định, quy hoạch khu dân cư tập trung với những đặc trưng riêng của đồng bào Mông, khá đầy đủ thiết chế văn hóa cơ sở, thiết chế xã hội truyền thống của đồng bào.
Thời gian qua, tỉnh đã đầu tư xây dựng công trình nước để dần đảm bảo cung ứng nước sạch tới người dân

Kết quả bước đầu triển khai Đề án

Thực hiện Quyết định số 2552/QĐ-UBND ngày 04/11/2021 của UBND tỉnh, về phê duyệt Dự án phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc Mông 2 xã Hang Kia và Pà Cò giai đoạn 2021-2025, UBND huyện Mai Châu đã chủ động xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Dự án theo chức năng, nhiệm vụ của ngành, lĩnh vực được giao, đề xuất UBND tỉnh các giải pháp để tập trung huy động, lồng ghép, bố trí nguồn vốn thực hiện các nội dung của Dự án. Bằng các nguồn vốn khác nhau như nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia, các đề án, dự án, chính sách khác,..., tổng nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ thực hiện Dự án phát triển KTXH vùng đồng bào dân tộc Mông hai xã Hang Kia và Pà Cò, huyện Mai Châu năm 2022 là 35.568 triệu đồng/263.018 triệu đồng, đạt 13,52% nhu cầu dự án được duyệt (vốn đầu tư 17.470 triệu đồng/114.930 triệu đồng, đạt 15,2%; vốn sự nghiệp 18.098 triệu đồng/148.088 triệu đồng, đạt 12,22%). Thực hiện Dự án, tỉnh đã thực hiện đầu tư xây dựng 13 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống và sản xuất với tổng kinh phí trên 17,4 tỷ đồng, trong đó ưu tiên đầu tư, hỗ trợ củng cố và hoàn thiện hệ thống hạ tầng về giao thông, giáo dục, y tế, nước sinh hoạt và duy tu bảo dưỡng các công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn hai xã nhằm phục vụ dân sinh, đời sống, phát triển KTXH và tinh thần cho người dân (03 công trình đường giao thông; 07 công trình trường học; 01 công trình Trạm y tế; 02 công trình nước sinh hoạt và thực hiện duy tu bảo dưỡng các công trình cơ sở hạ tầng). Bên cạnh đó, thực hiện duy tu bảo dưỡng các công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn hai xã với kinh phí 365 triệu đồng.

Thực hiện các mục tiêu của dự án, thời gian qua đã thực hiện hỗ trợ cho 200/217 hộ cần sửa chữa, xây mới nhà ở theo Đề án hỗ trợ hộ nghèo, khó khăn về nhà ở cho hai xã, với kinh phí là 8.300 triệu đồng, bằng 92,16% số hộ có nhu cầu. Để hỗ trợ người dân có nước sinh hoạt, đã thực hiện xây dựng, sửa chữa 02/11 công trình cung cấp nước sinh hoạt với tổng kinh phí 900 triệu đồng, bằng 3,62% nhu cầu kinh phí dự án được duyệt. Nhằm tạo sinh kế bền vững cho người dân, thời gian qua đã triển khai mô hình trồng cây Lê VH6 (Tai nung) có năng suất, giá trị cao để có sản phẩm lợi thế của địa phương, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nông nghiệp tập trung, bền vững gắn với du lịch cộng đồng tại hai xã với 18 hộ tham gia mô hình, quy mô diện tích trồng 4,54 ha; tiếp tục duy trì diện tích cây ngô và rau màu, trồng rừng. Thực hiện xây dựng sản phẩm OCOP du lịch cộng đồng cho HTX dịch vụ du lịch và nông nghiệp Hang Kia nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch văn hóa đặc sắc đồng bào dân tộc Mông, tạo bước tiến mới trong công tác chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tăng giá trị sản phẩm, dịch vụ nông nghiệp, nâng cao thu nhập của người dân. Thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất cho người dân hai xã với kinh phí trên 3,8 tỷ đồng. Thực hiện mô hình nuôi lợn đen bản địa tại xã Hang Kia cho khoảng 40 hộ dân tham gia (kinh phí 268 triệu đồng); tiếp tục triển khai nuôi Gà đen H’Mông. Triển khai công tác bảo tồn và phát triển Làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống tại xóm Pà Cò Con. Tổ chức các hoạt động quảng bá giới thiệu tiềm năng, lợi thế, sản phẩm thế mạnh của 2 xã thông qua các hoạt động Hội chợ giới thiệu sản phẩm, tổ chức các gian hàng sản phẩm của địa phương. 

Người dân Hang Kia – Pà Cò giữ gìn nghề truyền thống vẽ hoa văn bằng sáp ong để thu hút khách du lịch

Bên cạnh đó, công tác giáo dục, xóa mù chữ, y tế, bảo tồn văn hóa truyền thống tiếp tục được quan tâm. Thời gian qua đã thực hiện  hỗ trợ người dân tại hai xã đẩy mạnh việc xây dựng mô hình du lịch cộng đồng. Đến nay trên địa bàn xã Hang Kia đã có 01 HTX kinh doanh du lịch cộng đồng với 04 hộ làm dịch vụ Homestay, gần 90 giường và các tổ dịch vụ phục vụ khách; xã Pà Cò đã có 03 hộ làm dịch vụ Homestay với gần 80 giường và các dịch vụ tạo ấn tượng tốt đối với khách du lịch, nhất là khách quốc tế. Thực hiện các hoạt động quảng bá du lịch cộng đồng gắn với tìm hiểu văn hóa truyền thống của dân tộc Mông; xây dựng sản phẩm OCOP du lịch cộng đồng cho HTX dịch vụ du lịch và nông nghiệp xã Hang Kia nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch văn hóa đặc sắc, tạo bước tiến mới trong công tác chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tăng giá trị sản phẩm, dịch vụ nông nghiệp, nâng cao thu nhập của người dân xã Hang Kia.

Công tác an ninh trật tự được đảm bảo, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các nhiệm vụ, giải pháp về công tác bảo đảm ANTT. Chủ động nắm chắc tình hình, tham mưu lãnh đạo, chỉ đạo gắn chặt giữa công tác bảo đảm ANTT với thực hiện mục tiêu phục hồi, phát triển KTXH trên địa bàn 2 xã. Trong công tác đấu tranh tội phạm về TTXH, thường xuyên thông báo thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, nâng cao ý thức cảnh giác cho cán bộ và Nhân dân trên địa bàn 2 xã biết. Chỉ đạo, nâng cao hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, trong đó tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả các mô hình tự quản trong phòng trào toàn dân bảo vệ ANTQ, nhất là 12 mô hình Dòng họ tự quản (xã Hang Kia 07 mô hình, xã Pà Cò 05 mô hình), 54 Tổ liên gia tự quản (xã Hang Kia 21 tổ, xã Pà Cò 33 tổ), 12 mô hình Tổ ANND; vận động, tranh thủ sự ủng hộ của 16 người có uy tín trong đồng bào dân tộc Mông, 13 trưởng dòng họ, già làng. Trong năm 2022, đã tăng cường, điều động 11 CBCS đến nhận công tác tại Công an 2 xã, trong đó có 2 chỉ huy cấp đội đến nhận công tác và giữ chức vụ chỉ huy Công an xã. Hiện lực lượng Công an chính quy tại mỗi xã có 13 đồng chí. Qua đó, ANCT - TTATXH trên địa bàn 2 xã cơ bản ổn định, không xảy ra tình huống đột xuất, bất ngờ, không hình thành “điểm nóng” phức tạp về ANCT - TTATXH; công tác quản lý nhà nước về ANTT được tăng cường, phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ được phát triển mạnh.

Nhờ triển khai đồng bộ các chương trình, diện mạo nông thôn miền núi hai xã Hang Kia, Pà Cò đã có nhiều khởi sắc. GRDP bình quân đầu người xã Hang Kia ước đạt 28,5 triệu đồng/người; xã Pà Cò ước đạt 19,4 triệu đồng/người. Tỷ lệ hộ nghèo xã Hang Kia giảm 6,75%, từ 36,18% năm 2021 xuống còn 29,43% năm 2022 (giảm 44 hộ); tỷ lệ hộ nghèo xã Pà Cò giảm 6,49%, từ 38,52% năm 2021 xuống còn 32,03% năm 2022 (giảm 38 hộ). Tỷ lệ hộ dùng điện lưới quốc gia và người dân được hưởng bảo hiểm y tế hai xã đạt 100%. Tỷ lệ huy động trẻ mầm non 5 tuổi ra lớp đạt 100%; học sinh tiểu học đạt 100%; học sinh THCS đạt 98%. Tỷ lệ hộ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hoá xã Hang Kia ước đạt 43,04%; xã Pà Cò ước đạt 61,26%. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng xã Hang Kia giữ ở mức 10%; xã Pà Cò 12%. Mỗi xóm đều có 01 nhân viên y tế thôn bản được đào tạo theo chương trình khung của Bộ Y tế, được cấp chứng chỉ hành nghề, hoạt động có hiệu quả. Tỷ lệ hộ dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh hai xã ước đạt 100%. Tỷ lệ độ che phủ rừng xã Hang Kia đạt 65,9%; xã Pà Cò đạt 65%.

Thời gian tới, tiếp tục triển khai thực hiện, hoàn thiện một số chính sách như hỗ trợ đất ở, hỗ trợ đất sản xuất; đầu tư các công trình nước sinh hoạt tập trung; tiếp tục bố trí, ổn định dân cư, sắp xếp bằng hình thức xen ghép ổn định tại chỗ để tạo điều kiện sinh kế nhằm ổn định và nâng cao đời sống cho người dân.

Khơi dậy được tiềm năng, lợi thế của địa phương để vượt khó

Tuy nhiên, đời sống kinh tế xã hội của người dân hai xã còn nhiều khó khăn, phát triển còn chậm so với khu vực khác; trình độ dân trí còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo còn cao; một số bộ phận người dân chưa tích cực lao động sản xuất, làm giàu chính đáng, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; một số hủ tục lạc hậu vẫn còn tồn tại; tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cao; còn tiềm ẩn phát sinh các tệ nạn xã hội, phức tạp về an ninh, chính trị. Nguồn kinh phí bố trí cho các hoạt động hỗ trợ, đầu tư của Dự án còn hạn chế chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi còn thiếu, chưa đồng bộ dẫn đến khó khăn trong tổ chức sản xuất tập trung, sản xuất hàng hóa. Trong phát triển du lịch, hiện tại các điểm du lịch cộng đồng tại hai xã đều mới hoạt động, còn mang tính tự phát, do vậy thiếu nhiều điều kiện, tiêu chí để trở thành điểm du lịch cộng đồng đảm bảo theo quy định. Việc triển khai chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm; quản lý bảo vệ rừng nhất là rừng thuộc Khu bảo tồn chưa tốt; công tác bảo vệ môi trường sinh thái còn hạn chế, bất cập.

Phát huy tiềm năng tự nhiên với khí hậu mát mẻ, địa hình đồi núi, cảnh sắc tươi đẹp để phát triển du lịch

Để triển khai đề án hiệu quả, thời gian tới cần tiếp tục tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và người dân của hai xã Hang Kia, Pà Cò để khơi dậy được tiềm năng, lợi thế của địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ của Dự án. Thường xuyên tổ chức nắm tình hình đời sống, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng hai xã; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kịp thời tham mưu đề xuất, báo cáo UBND tỉnh giải quyết những vấn đề mà đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn hai xã quan tâm trong phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện các chương trình, dự án, chính sách. Tiếp tục thực hiện lồng ghép, huy động các nguồn lực để đầu tư, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống trên địa bàn hai xã, trong đó ưu tiên đầu tư, củng cố và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng về giao thông, thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục nhằm phục vụ dân sinh, phát triển kinh tế xã hội và tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất theo định hướng của tỉnh; đẩy mạnh việc chuyển giao, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá theo chuỗi giá trị; xây dựng mô hình phát triển sản xuất phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, chú trọng xây dựng một số vùng chuyên canh các loại cây nông, lâm nghiệp có lợi thế, có giá trị kinh tế, cho năng suất và thu nhập cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của hai xã.