DetailController

Khoa học - Môi trường

Đầu tư 500 triệu xây dựng công trình nước sinh hoạt, người dân vẫn phải dùng hệ thống dẫn nước tự tạo

01/06/2010 00:00

Cách đây hơn 20 năm, vào những năm 1989-1990, trên 80 hộ dân ở xóm 5 xã Sủ Ngòi, thành phố Hòa Bình đã tự góp công sức, tiền của xây dựng những bai ngăn nước và lắp đặt đường ống ở hai nguồn suối Trên và suối Dưới để có nguồn nước phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày.

Công trình trị giá 500 triệu đồng đã hoàn thành nhưng những đầu chờ vẫn khóa vì không có nước đầu nguồn

 

2 nguồn nước ở khe đồi mà có tới 10 chiếc bai lớn nhỏ, chiếc lớn nhất đáp ứng nhu cầu nước cho 26 hộ, chiếc nhỏ nhất do 2 hộ tự góp công và vật liệu xây dựng nên. Là công trình xây dựng mang tính tự phát nên đường ống dẫn nước đủ các kích cỡ, chủng loại, từ cây bương, cây nứa và mới đây được thay thế bằng ống nhựa PE, nhựa mềm, cao su... Mạnh ai nấy làm nên nhóm nào cẩn thận thì đào rãnh chôn ống, nhóm nào tềnh toàng thì để đường ống lộ thiên dọc ngang, chằng chịt. Vì không có bãi chăn thả trâu, bò đi lại cũng khá tự do nên nguồn nước rất dễ bị ô nhiễm và hệ thống đường ống thường xuyên bị hư hỏng. Tuy là công trình tự tạo, nhưng hàng chục năm qua các hộ dân ở đây vẫn có đủ nước sử dụng quanh năm, kể cả những thời điểm khô hạn nhất như tháng 5, tháng 6.
 
Là dân cư thuộc một xã của thành phố, người dân xóm 5 vẫn mong mỏi được dùng nước máy như các hộ ở các xóm, các khu dân cư trong xã và phường Đồng Tiến lân cận hoặc được hỗ trợ công trình nước sinh hoạt kiên cố đảm bảo hợp vệ sinh. Ông Bùi Văn Sỏn, Trưởng xóm 5 kể lại: Nhận được thông báo thành phố đầu tư 500 triệu đồng xây dựng công trình nước sạch, xã đã cử một cán bộ giao thông, thuỷ lợi cùng Trưởng ban mặt trận, Trưởng xóm, Bí thư chi bộ tham khảo sát địa hình để đơn vị tư vấn thiết kế kỹ thuật công trình. Nhưng ngay trong phần việc đầu tiên ý kiến đóng góp của cơ sở về vị trí xây dựng bai ngăn nước đầu nguồn đã không được đơn vị Tư vấn thiết kế (Công ty tư vấn xây dựng thuỷ lợi Hòa Bình) tôn trọng. Đại diện xóm góp ý nên xây bai ngăn nước ở những vị trí dân cư đã xây dựng trước đây, nhưng đơn vị tư vấn lại cho rằng đưa lên vị trí mới sẽ phát huy hiệu quả cao hơn. Tuy bất đồng về quan điểm, nhưng đến tháng 1/2008, các hộ dân ở xóm 5 vẫn tràn đầy niềm vui khi công trình chính thức được khởi công xây dựng với quy mô 2 đập đầu nguồn cùng hệ thống bể chứa, bể lọc và tuyến đường ống dài trên 1.000m để đưa dòng nước trong lành về từng hộ gia đình ở các cụm dân cư. Sau gần 4 tháng thi công, công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng. Lúc khởi công vui bao nhiêu thì lúc khánh thành buồn bấy nhiêu, vì ngày thử tải đường ống cũng ngày “khai tử” công trình vì cả 2 bai dâng đều không tích được nước.
 
Do không am hiểu về kỹ thuật, người dân xóm 5, xã Sủ Ngòi không đánh giá được nguyên nhân bai dâng không tích được nước là do thiết kế hay thi công. Tâm trạng của họ từ thất vọng chuyển sang bức xúc, nhiều ý kiến, nhiều đơn kiến nghị đã gửi tới các cấp, các ngành, nhưng đã hơn một năm trôi qua những nỗi niềm của người dân ở đây vẫn chưa được giải tỏa.
 
Công trình trị giá nửa tỷ đồng vẫn còn đó, những bai dâng, bể lọc, bể chứa, đầu dẫn nối vẫn đang “thi gan” cùng thời gian và trên 80 hộ dân xóm 5, xã Sủ Ngòi lại trở về với cách lấy nước truyền thống. Những bai dâng, những tuyến đường ống đã hơn 20 năm tuổi tưởng chừng đã trở thành quá khứ lại tiếp tục phát huy tác dụng. Từng nhóm hộ lại chia giờ, phân công người để điều tiết nguồn nước từ những công trình thô sơ nhưng hiệu quả về gia đình để phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày. Trước thực tế đó, dư luận mong muốn các ngành chức năng sớm vào cuộc để làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm của chủ đầu tư, đơn vị tư vấn giám sát và đơn vị thi công. Đồng thời có biện pháp xử lý kiên quyết không để kéo dài tình trạng “Cha chung không ai khóc” dẫn đến lãng phí, tốn kém tiền của Nhà nước.