DetailController

Giáo dục

Đào tạo nghề - Trăn trở vấn đề chất lượng

10/03/2011 00:00

Theo thống kê của Sở LĐ -TB&XH, tỉnh ta có nguồn lao động dồi dào. Đây là ưu thế hứa hẹn tạo động lực lớn cho sự phát triển KT -XH, đồng thời là thách thức không nhỏ đặt ra cho công tác đào tạo, dạy nghề. Năm nay, trước những trăn trở về chất lượng đào tạo, tỉnh sẽ triển khai nhiều giải pháp nhằm đạt những chỉ tiêu quan trọng đề ra.

Học viên trường Cao đẳng nghề Hòa Bình thực hành nghề hàn cơ khí.

Nhiều áp lực trong công tác đào tạo nghề

Trong giai đoạn 2006 - 2010, công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn lao động của tỉnh đạt kết quả đáng ghi nhận. Bình quân hàng năm, toàn tỉnh đã tổ chức đào tạo nghề cho khoảng 10.800 lao động, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề năm 2010 lên 25%. Thông qua các chương trình phát triển KT -XH và thu hút đầu tư, đã có trên 8 vạn lao động được tạo việc làm mới. Bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho từ 16.000 - 16.500 lao động. Hiện nay, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị đã được khống chế ở mức dưới 5%;

tỷ lệ sử dụng thời gian lao đang ở khu vực nông thôn đạt 84%; cơ cấu lao động đã có sự chuyển biến tích cực theo hướng giảm tỷ trọng lao động trong ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng lao động trong các ngành công nghiệp  xây dựng, thương mại - dịch vụ. Năm 2010, tỷ lệ này tương ứng là 73%, 11,5%, 15,5%.

Tuy nhiên, theo Sở LĐ -TB&XH, chất lượng nguồn lao động của tỉnh tuy đã có những chuyển biến nhất định nhưng vẫn đứng ở xuất phát điểm thấp so với nhiều địa phương trong cả nước. Nhìn chung, chất lượng nguồn lao động chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động. Thực tế những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh mặc dù đã mở rộng cửa chào đón lao động địa phương nhưng không tuyển đủ chỉ tiêu do chất lượng nguồn lao động thấp. Thêm vào đó, nguồn lao động đã tuyển dụng, mặc dù đã qua đào tạo nhưng trình độ không đạt yêu cầu nên doanh nghiệp phải đào tạo lại. Thực trạng này gây áp lực lớn cho đào tạo nghề và giải quyết việc làm.

ông Nguyễn Thanh Thuỷ, Phó Giám đốc Sở LĐ -TB&XH cho biết: Hiện nay, tỉnh có số lao động dôi dư cần được định hướng học nghề rất lớn. Trong khi đó, mạng lưới các cơ sở dạy nghề mỏng, phân bố không đồng đều và hiệu quả hoạt động chưa được như mong đợi. Về chất lượng đào tạo nghề cũng đáng lo ngại. Hàng năm, các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh đào tạo khoảng từ 8.000  10.000 lao động cung cấp cho thị trường địa phương. Tuy nhiên, số lao động được đào tạo các ngành nghề thuộc lĩnh vực công nghiệp (đào tạo dài hạn) như điện tử, điện lạnh, điện xí nghiệp, cơ khí chỉ vào khoảng từ 2.000 - 3.000 người. Còn lại chủ yếu vẫn là đào tạo ngành nghề thủ công (đào tạo ngắn hạn) như: mây - giang đan, chổi chít, thổ cẩm, gỗ... Mức chênh lệch này chứng tỏ quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại diễn ra chậm, công tác đào tạo nghề chưa tạo được đột phá về chất.

Sẽ đào tạo tại chỗ và có địa chỉ

 

Trăn trở với chất lượng đào tạo nghề hiện nay, Phó Giám đốc Sở LĐ -TB&XH Nguyễn Thanh Thuỷ nhìn nhận: Đa số cơ sở dạy nghề hiện nay vẫn đào tạo theo nếp cũ, nghĩa là đào tạo theo “cái mình có” mà chưa đào tạo theo “cái thị trường cần”. Việc đào tạo nghề chủ yếu xuất phát từ nhu cầu tự phát, tập trung vào một số ngành nghề truyền thống, không khảo sát và phân tích thấu đáo nhu cầu thực sự của thị trường lao động. Do đó, không những không cung ứng được nguồn lao động cho những nghề mang tính “đi tắt đón đầu” mà còn bỏ ngỏ những nghề được đánh giá là thiết thực với yêu cầu phát triển của địa phương.

 

Để đẩy mạnh hiệu quả công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động, Sở LĐ -TB&XH đã chủ trì xây dựng và thực hiện đề án quy hoạch các cơ sở dạy nghề của tỉnh định hướng đến năm 2020. Theo đó sẽ tập trung nguồn vốn ưu tiên cho đầu tư hoàn thành xây dựng cơ bản các cơ sở dạy nghề công lập trên địa bàn tỉnh,  trung tâm dạy nghề, trung tâm giới thiệu việc làm cấp huyện nhằm đáp ứng nhu cầu học nghề cho lao động trong tỉnh. Đặc biệt, năm nay được xác định là năm có ý nghĩa quan trọng đối với việc triển khai Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956 ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ. Chỉ tiêu đặt ra là tuyển sinh đào tạo nghề cho từ 17.000 lao động trở lên, trong đó đào tạo nghề cho lao động nông thôn khoảng 12.000 lao động. Trong quá trình triển khai các hoạt động đào tạo nghề, định hướng xuyên suốt là không đào tạo tràn lan, thay vào đó sẽ là đào tạo lao động tại chỗ và có địa chỉ để ưu tiên cung ứng cho nhu cầu sử dụng lao động trong tỉnh. Với định hướng này, chỉ tiêu đặt ra trong năm nay là nâng tỷ lệ lao động được đào tạo nghề đạt 29%, phấn đấu đạt khoảng từ 75-  80% lao động qua đào tạo tìm được việc làm và giảm  nguy cơ tái thất nghiệp. Được biết, đến thời điểm này, các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã khởi động kế hoạch tuyển sinh, quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu quan trọng đề ra trong năm 2011.