DetailController

Giáo dục

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở xã vùng sâu Lỗ Sơn

07/05/2013 00:00
Vốn là một xã thuần nông lại địa phương thuộc vùng sâu của huyện Tân Lạc, số hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao nên những năm qua việc phát triển kinh tế, xã hội của xã gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, sau khi triển khai đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn thì đời sống kinh tế của người dân địa phương đã có những thay đổi, thu nhập bình quân đầu người đạt cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm.

 Lỗ Sơn là xã thuộc vùng sâu của huyện Tân Lạc, cách trung tâm huyện 18km về phía tây, nam với tổng diện tích tự nhiên là 16,5 km2, trong đó đất rừng chiếm ¾ diện tích, diện tích đất nông nghiệp là 500 ha, diện tích đất trồng lúa ổn định là 150 ha còn lại là đất màu. Dân cư của xã được bố trí tại 12 xóm với tổng số 760 hộ và 3.220 nhân khẩu, gồm có 3 dân tộc cùng sinh sống gồm dân tộc Kinh, Mường, Thái. Theo thống kê, trên địa bàn xã hiện nay có khoảng  1980 người trong độ tuổi lao động, đời sống của nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Năm 2012 thu nhập bình quân đầu người đạt 13,2 triệu đồng/ người/năm, tỷ lệ hộ nghèo là 38,3%. Người dân Lỗ Sơn có truyền thống cần cù, chịu khó, chịu thương trong lao động sản xuất, có tinh thần đoàn kết tương thân, tương ái và sự gắn kết cộng đồng làng trên xóm dưới rất cao. Về cơ bản nghề nông nghiệp vốn là nghề truyền thống từ bao đời nay nhưng sự cần cù chịu khó chỉ đem lại cuộc sống tự cấp, tực túc, hiệu quả sản xuất hoàn toàn là sự may rủi, thậm chí là không đủ ăn. Tuy nhiên, từ khi có đề án đào tạo nghề cho lao đông nông thôn thì Lỗ Sơn đã có chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu kinh tế. Không còn phụ thuộc hẳn vào nông nghiệp mà giờ đây xã Lỗ Sơn đã có nhiều loại nghành nghề, dịch vụ khác nhau, thúc đẩy nền kinh tế theo đa dạng hóa các loại hình. Qua đó, đời sống vật chất của nhân dân cũng có những thay đổi, cải thiện đáng kể, bộ mặt nông thôn cũng được đổi mới. Đây là bước ngoặt khá quan trọng và có ý nghĩa lớn đối với sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương thuộc vùng sâu này.

Theo Chủ tịch UBND xã Lỗ Sơn Bùi Văn Bích, sau khi có Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được ban hành xã đã nghiêm túc triển khai thực hiện. Theo đó, xã đã thành lập ban chỉ đạo thực hiện, quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội; quy hoạch sản xuất; quy hoạch xây dựng nông thôn mới làm cơ sở để thực hiện dạy nghề cho lao động nông thôn. Bên cạnh đó, xã cũng phổ biến các chính sách, quy định về dạy nghề cho lao động nông thôn lồng ghép qua các hội nghị của UBND xã và hội nghị nhân dân ở các xóm; cung cấp các thông tin về quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương, các thông tin về đào tạo nghề, điều kiện của nghề học, địa chỉ nơi làm việc sau khi học; cơ sở dữ liệu tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn để người lao động nông thôn biết, tự lựa chọn nghề phù hợp; đề xuất danh mục nghề đào tạo, nhu cầu học nghề của lao động nông thôn gửi phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện; cũng như nhu cầu đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã gửi phòng Nội vụ để có hướng đào tạo. Xác nhận vào đơn học nghề của người lao động nông thôn trong xã về đối tượng theo quy định và các điều kiện để làm việc theo nghề đăng ký; phối hợp với các cơ sở được giao nhiệm vụ dạy nghề cho lao động nông thôn để tuyển dụng lao động nông thôn học nghề đủ điều kiện. Tạo điều kiện cho người học nghề tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng tại địa phương; tổ chức kiểm tra, giám sát việc dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn xã; lập danh sách theo dõi, thống kê số người đã học, số người có việc làm theo từng hình thức, số hộ thoát nghèo, số hộ trở thành hộ khá, số người chuyển từ nông nghiệp sang làm công nghiệp, dịch vụ sau khi đi học nghề; chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức đoàn thể của xã, thôn, tham gia vào việc tuyên truyền, tư vấn học nghề cho lao động nông thôn và giám sát các lớp dạy nghề ở xã...Điển hình như gia đình anh Bùi Duy Hùng, xóm Tân Vượng, trước đây vốn là một hộ nghèo, năm 2010, gia đình anh được hướng dẫn trồng mía và tạo điều kiện cho vay vốn, đến nay, gia đình anh đã có thu nhập ổn định và từng bước thoát nghèo. Hộ gia đình ông Bùi Văn Hỉn ngoài trồng mía được hỗ trợ giống, kỹ thuật nuôi ngan thịt mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, nhiều hộ nghèo xã Lỗ Sơn cũng đã từng bước ổn định kinh tế nhờ các mô hình trồng bí xanh, mướp đắng lấy hạt đang được người dân triển khai tại tất cả các xóm trong xã để tận dụng diện tích đất 1 vụ.

Có thể nói, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, đặc biệt là từ khi triển khai thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Chính phủ về dạy nghề cho lao động nông thôn, đến nay xã Lỗ Sơn đã mở được 20 lớp dạy nghề, trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng, thu hút được 520 người tham gia/năm. Cụ thể như lớp dạy nghề sửa chữa máy nông cụ; lớp dạy nghề trồng cây công nghiệp ngắn ngày; lớp dạy kỹ thuật chăn nuôi gà; lớp dạy kỹ thuật chăn nuôi ngan; lớp dạy kỹ thuật chăn nuôi lợn lái...Cùng với việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn, xã Lỗ Sơn cũng kết hợp với các chương trình, dự án như dự án giảm nghèo, dự án GNI, dự án 135, dự án PSARD...đã tạo điều kiện giúp người lao động sau khi học nghề tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng, đồng thời áp dụng các kiến thức khoa học kỹ thuật đã được học vào thực tế sản xuất nhằm giải quyết việc làm tại chỗ và phát triển kinh tế hộ gia đình. Nhiều hộ gia đình từ diện hộ nghèo đã vươn lên làm giàu và thoát nghèo, nhiều hộ có thu nhập cao từ 250.000 đồng đến 300.000 đồng/năm và mạnh dạn đầu tư tái sản xuất và mở rộng sản xuất. Vì vậy, năm 2012 tỷ lệ hộ nghèo của toàn xã đã giảm từ 60,22% xuống còn 38%. Theo đánh giá, mặc dù tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn chiếm tỷ lệ cao so với tỷ lệ bình quân chung của huyện nhưng với Lỗ Sơn đây là sự chuyển biến đáng tích cực và hứa hẹn chuyển mình trong những năm tiếp theo.

Cũng theo Chủ tịch UBND xã Bùi Văn Bích trong quá trình triển khai đề án 1956 trên địa bàn xã Lỗ Sơn cũng gặp không ít những khó khăn do số lượng lao động nông thôn chưa qua đào tạo cao; kinh phí mở lớp còn hạn hẹp, làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy nghề; thời gian mở lớp nhiều khi chưa phù hợp với đặc thù của địa phương, ví dụ như mở lớp vào thời điểm đang gặt hái, hoặc đang gioe cấy nên rất khó khăn cho người lao động có điều kiện tham gia...Để khắc phục tình trạng này, Lỗ Sơn đề nghị các cơ quan chức năng cần có cơ chế chính sách đào tạo nghề phù hợp với lao động nông thôn, nhất là những nơi thuộc vùng sâu, xa; dành nguồn kinh phí đáp ứng nhu cầu đào tạo; mở các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn có nhu cầu học nghề, đặc biệt là lao động trẻ; cần có chính sách bao tiêu sản phẩm cho nhân dân do dạy nghề làm ra...