DetailController

Tin từ các đơn vị

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Kỳ Sơn

10/07/2013 00:00
Kỳ Sơn là huyện miền núi thấp của tỉnh Hòa Bình. Với diện tích tự nhiên là 21.075 ha, trên 60% dân số nằm trong độ tuổi lao động và cơ bản hoạt động trong lĩnh vực nông- lâm- ngư nghiệp. Do đó, công tác dạy nghề và giải quyết việc làm cho người lao động luôn được huyện đặc biệt quan tâm. Qua đó, đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và góp phần quan trọng cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Các học viên sau đào tạo, 90% có việc làm, nâng cao thu nhập.

 Thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg về Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, từ năm 2009 đến nay, hàng năm, UBND huyện và UBND các xã, thị trấn đã xây dựng kế hoạch và tổ chức tuyên truyền các chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước về đào tạo nghề lao động nông thôn, đồng thời tiến hành rà soát nhu cầu học nghề của nhân dân trên địa bàn để có hướng đào tạo. Thông qua điều tra nhu cầu học nghề và tư vấn nghề nghiệp, huyện Kỳ Sơn  đã tổ chức thực hiện tốt công tác đào tạo nghề cho trên 1.000 lao động nông thôn trên địa bàn. Trong số 105 nghề lao động nông thôn được Ban chỉ đạo tổng hợp, thì các nghề: làm chổi chít, nghề điện, hàn, chuyển giao kỹ thuật nông, lâm, ngư nghiệp được cho là phù hợp nhất đối với lao động ở địa phương. Qua các lớp đào tạo nghề, lực lượng lao động nông thôn được trang bị kiến thức, đã đáp ứng được nguyện vọng và nhu cầu học nghề, góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người lao động và gia đình. Chị Nguyễn Thị Sen, công nhân làm chổi chít tại cơ sở xóm Đễnh, xã Dân Hòa cho biết: “Sau khi học nghề làm chổi chít, tôi được tiếp nhận vào làm việc tại cơ sở xóm Đễnh, vừa làm việc gần nhà, vừa có thu nhập ổn định 2-3 triệu đồng/tháng. Công việc này cũng có thể tranh thủ thời gian rảnh rỗi, nên những lúc nông nhàn, công việc đồng áng đã xong tôi lại gọi con cháu đến làm cùng để tăng thu nhập”.

Từ khi triển khai Đề án 1956 đến nay, huyện Kỳ Sơn đã tổ chức 35 lớp học, mỗi lớp từ 30-35 học viên. Qua điều tra thực tế của Phòng LĐ-TB và XH huyện, có từ 85- 90% người lao động sau khi đào tạo có việc làm.  Năm 2010 đến nay, BCĐ huyện cũng đã ký kết với Công ty TNHH Minh Thắng (doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu chổi chít) mở 8 lớp làm chổi chít xuất khẩu, có 280 học viên tham gia, 90% là lao động nữ ở mọi lứa tuổi. Hiện nay có nhiều lao động làm việc ổn định tại doanh nghiệp với mức lương 2,5- 3 triệu đồng/tháng; phối hợp với Trung tâm dạy nghề Bộ chỉ huy quân sự tỉnh lớp dạy nghề hàn điện cho 60 lao động. Sau khi học xong có 60% lao động được các doanh nghiệp trên địa bàn nhận vào làm việc, số lao động còn lại được tuyển vào quản lý điện của xã. Mô hình dạy nghề được gắn với giải quyết việc làm và bao tiêu sản phẩm do người lao động làm ra được doanh nghiệp thực hiện hiệu quả

Triển khai sau 3 năm, việc thực hiện Đề án 1956 ở huyện cũng gặp phải một số tồn tại, khó khăn: Do định hướng của gia đình, bản thân người học nghề còn mang tính phong trào, không xác định được nhu cầu học nghề phù hợp. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của Trung tâm dạy nghề huyện đang trong thời gian xây dựng vì vậy công tác phục vụ giảng dạy còn gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được nhu cầu của người lao động học nâng cao tay nghề. Một số ngành, đoàn thể chưa thấy rõ được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tuyên truyền phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước về dạy nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt là các vùng bị thu hồi đất.

Bà Nguyễn Thị Xuyên, Trưởng phòng LĐ-TB&XH cho biết: Thời gian tới, các phòng ban chức năng, các xã, thị trấn cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo chuyển biến nhận thức của các cấp, các ngành và của toàn xã hội về công tác đào tạo nghề; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí, tổ chức thực hiện kế hoạch dạy nghề tại địa phương. Giai đoạn 2013-2015, huyện Kỳ Sơn có kế hoạch đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn dưới hình thức đào tạo ngắn hạn và sơ cấp nghề cho gần 2.000 lao động nông thôn/năm. Năm 2013 huyện sẽ tiếp tục phát triển mở mang các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm cho lao động nông nhàn, tăng thu nhập cho nông dân; tiếp tục thực hiện tốt công tác xuất khẩu lao động../.