DetailController

Giáo dục

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn góp phần xóa đói giảm nghèo

06/09/2013 00:00
Bằng nhiều giải pháp, sự vào cuộc của nhiều sở, ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương nên công tác đào tạo nghề cho lao động động nông thôn trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả khích lệ. Tỷ lệ người được đào tạo cũng như có việc làm sau đào tạo năm sau cao hơn năm trước. Qua việc đà tạo nghề đã có nhiều người thuộc hộ khó khăn đã xóa được đói giảm được nghèo và làm giàu.

 Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hòa Bình, trong ba năm qua trên địa bàn đã mở hàng trăm lớp đào tạo nghề theo các trình độ khác nhau với số người đã được đào tạo là 8.549, trong đó tỷ lệ nữ đạt 67%, tỷ lệ người dân tộc đạt 71%, tỷ lệ hộ nghèo học nghề đạt 15,6% (tính cả hộ cận nghèo là hơn 90%). Điều đáng nói là trong số lao động sau khi được đào tạo nghề có việc làm đạt 75%. Ngoài ra, các đối tượng thuộc hộ nghèo được đi học nghề đã có 54% hộ thoát nghèo, trong đó 78% các hộ thoát nghèo nhờ học nghề phi nông nghiệp, 31% thoát nghèo nhờ học nghề nông nghiệp. Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của cấp uỷ Đảng, chính quyền và nhân dân góp phần nâng cao tay nghề, giải quyết việc làm cho người lao động.

Qua việc mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện những mô hình mô hình hay và được nhân rộng như mô hình nuôi lợn thịt và trồng nấm rơm tại huyện Lạc Sơn với số lượng 60 học viên. Kết quả đã nhân rộng mô hình chăn nuôi lợn thịt và trồng nấm tới nhiều hộ dân với thu nhập từ hai đến ba triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra còn có các mô hình dạy nghề làm chổi chít ở các huyện Kim Bôi, Kỳ Sơn; nuôi cá lồng ở huyện Đà Bắc, nuôi gà thịt ở huyện Lương Sơn; dệt thổ cẩm ở huyện Tân Lạc; dạy nghề may công nghiệp tại Công ty TNHH may Hòa Bình, công ty cổ phần Xuất nhập khẩu 3.2 Hòa Bình (tại đây các lao động học nghề xong được bố trí làm việc ngay tại dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp). Hiệu quả nhất có lẽ là dạy kỹ thuật trồng cây có múi như cam, quýt, bưởi ở huyện Cao Phong đã giúp nhiều gia đình thoát nghèo hoặc vươn lên trở thành tỷ phú sau khi được học nghề nâng cao kỹ thuật trồng cam.

Kỳ Sơn là huyện miền núi thấp của tỉnh Hòa Bình với diện tích tự nhiên 21.075 ha; huyện có 10 đơn vị hành chính gồm 9 xã, 1 thị trấn với gần 33 nghìn người, trong đó số người trong độ tuổi lao động chiếm trên 60% tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm 30,9%; qua đào tạo nghề còn thấp. Đặc biệt những năm trước đây do chưa có sự đầu tư nguồn lực và nhân lực của người dân còn hạn chế, việc đào tạo nghề để nâng cao chất lượng nguồn lao động đáp ứng yêu cầu thị trường lao động còn gặp nhiều khó khăn. Thời gian gần đây, việc triển khai công tác dạy nghề cho lao động ở nông thôn có nhiều thuận lợi, danh mục nghề đào tạo ngày càng đa dạng, phong phú; số lao động có nhu cầu học nghề ngày càng nhiều. Ba năm qua, huyện đã mở được 31 lớp đào tạo nghề và đào tạo cho 966 lao động nông thôn với các nghề như nuôi cá nước ngọt, nuôi gà thả vườn, làm chổi chít, hàn điện... Đặc biệt, số lao động đi học nghề có việc góp phần không nhỏ đến việc xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương phát triển. Riêng năm 2012 huyện đã mở 3 lớp dạy nghề cho lao động nông; phối hợp với UBND các xã thẩm định hồ sơ mở các lớp dạy nghề cho lao động tại các xã là 6 lớp. Số lao động sau khi học xong được giải quyết việc làm tại địa phương và tại doanh nghiệp chiếm 75 đến 80% (đặc biệt là các lớp làm chổi chít chiếm 90%).

Theo Chủ tịch UBND xã Lỗ Sơn huyện Tân Lạc Bùi Văn Bích, sau khi có Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về công tác dạy nghề cho lao động nông thôn được ban hành xã đã nghiêm túc triển khai thực hiện. Theo đó, xã đã thành lập ban chỉ đạo thực hiện, quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội; quy hoạch sản xuất; quy hoạch xây dựng nông thôn mới làm cơ sở để thực hiện dạy nghề cho lao động nông thôn. Bên cạnh đó, xã cũng phổ biến các chính sách, quy định về dạy nghề cho lao động nông thôn lồng ghép qua các hội nghị của UBND xã và hội nghị nhân dân ở các xóm; cung cấp các thông tin về quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương, các thông tin về đào tạo nghề, điều kiện của nghề học, địa chỉ nơi làm việc sau khi học. Tạo điều kiện cho người học nghề tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng tại địa phương; tổ chức kiểm tra, giám sát việc dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn xã; lập danh sách theo dõi, thống kê số người đã học, số người có việc làm theo từng hình thức, số hộ thoát nghèo, số hộ trở thành hộ khá, số người chuyển từ nông nghiệp sang làm công nghiệp, dịch vụ sau khi đi học nghề; chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức đoàn thể của xã, thôn, tham gia vào việc tuyên truyền, tư vấn học nghề cho lao động nông thôn và giám sát các lớp dạy nghề ở xã...

Có thể nói, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, đặc biệt là từ khi triển khai thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Chính phủ về dạy nghề cho lao động nông thôn, đến nay xã Lỗ Sơn đã mở được 20 lớp dạy nghề, trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng, thu hút được 520 người tham gia/năm. Cụ thể như lớp dạy nghề sửa chữa máy nông cụ; lớp dạy nghề trồng cây công nghiệp ngắn ngày; lớp dạy kỹ thuật chăn nuôi gà; lớp dạy kỹ thuật chăn nuôi ngan; lớp dạy kỹ thuật chăn nuôi lợn lái...Cùng với việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn, xã Lỗ Sơn cũng kết hợp với các chương trình, dự án như dự án giảm nghèo, dự án GNI, dự án 135, dự án PSARD...đã tạo điều kiện giúp người lao động sau khi học nghề tiếp cận với các nguồn vốn tín dụng, đồng thời áp dụng các kiến thức khoa học kỹ thuật đã được học vào thực tế sản xuất nhằm giải quyết việc làm tại chỗ và phát triển kinh tế hộ gia đình. Nhiều hộ gia đình từ diện hộ nghèo đã vươn lên làm giàu và thoát nghèo, nhiều hộ có thu nhập cao từ 250.000 đồng đến 300.000 đồng/năm và mạnh dạn đầu tư tái sản xuất và mở rộng sản xuất. Vì vậy, năm 2012 tỷ lệ hộ nghèo của toàn xã đã giảm từ 60,22% xuống còn 38%. Theo đánh giá, mặc dù tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn chiếm tỷ lệ cao so với tỷ lệ bình quân chung của huyện nhưng với Lỗ Sơn đây là sự chuyển biến đáng tích cực và hứa hẹn chuyển mình trong những năm tiếp theo.

Để đạt được kết quả này là do tỉnh Hòa Bình đã chủ động triển khai sâu rộng công tác đào tạo nghề đến với các đối tượng là lao động nông thôn. Bên cạnh đó, các huyện, thành phố cũng tích cực tổ chức điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu học nghề, nhu cầu sử dụng lao động ở nông thôn và của các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh. Từ đó, bảo đảm việc tổ chức các lớp dạy nghề sát với nhu cầu thực tế, học viên được dạy nghề có khả năng áp dụng kiến thức vào sản xuất hoặc có nơi làm việc ngay. Hơn nữa tỉnh cũng quan tâm đến việc phát triển đội ngũ giáo viên, người dạy nghề, cán bộ quản lý dạy nghề; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề đối với các cơ sở dạy nghề công lập; tổ chức tuyên truyền, tư vấn học nghề, phê duyệt chỉ tiêu đào tạo, mức hỗ trợ cho các nghề và việc phân cấp tổ chức thực hiện cho cấp ủy.

Trong giai đoạn 2013-2015, tỉnh Hòa Bình phấn đấu đào tạo nghề cho khoảng 14.000 lao động nông thôn, đào tạo nâng cao trình độ cho 3.000 cán bộ, công chức xã, tỷ lệ lao động qua đào tạo có việc làm khoảng 80%, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 45%. Trên cơ sở đó, tỉnh sẽ tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và toàn xã hội về lĩnh vực đào tạo nghề, thông qua nhiều hình thức tuyên truyền tới từng nhóm đối tượng cho phù hợp; chú trọng công tác khảo sát, rà soát các số liệu về nhu cầu học nghề và ngành nghề theo nhu cầu của người lao động; chú trọng bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác dạy nghề; rà soát, điều chỉnh, bổ sung mạng lưới các cơ sở đào tạo nghề cho phù hợp với từng thời điểm, từng địa phương. Tăng cường công tác tư vấn, giới thiệu việc làm thông qua phát triển mạng lưới cơ sở trung tâm giới thiệu việc làm; tổ chức có hiệu quả các sàn giao dịch việc làm; tăng cường phối hợp giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các xã, phường, ngân hàng chính sách, các tổ chức xã hội trong việc tuyên truyền, tư vấn giới thiệu việc làm, theo phương châm đào tạo nghề theo địa chỉ; có biện pháp để bao tiêu sản phẩm của hộ nông dân sau khi được học nghề và làm nghề…