DetailController

Giáo dục

Đào tạo nghề cho lao động nông thôn

28/09/2010 00:00

Thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (sau đây gọi tắt là Đề án), tỉnh ta đã kịp thời triển khai các hoạt động cần thiết. Tuy nhiên, trước áp lực lớn về thời gian và khối lượng công việc, tiến độ thực hiện đến nay đang chậm so với kế hoạch đề ra.

Lao động nông thôn huyện Đà Bắc được học nghề mộc gia dụng để cải thiện thu nhập, vươn lên phát triển kinh tế.

 

Theo Kế hoạch thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg của tỉnh năm 2010, việc điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu dạy nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) tại cấp huyện, thành phố cần xong trước ngày 10/7, cấp tỉnh xong trước ngày 15/7; việc xây dựng Đề án của các huyện, thành phố xong trước ngày 15/8, của tỉnh xong trước ngày 31/8 để trình UBND tỉnh và báo cáo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trước ngày 15/9. Kế hoạch được phê duyệt vào đầu tháng 7/2010.
 
Trước đó, tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án cấp tỉnh theo Quyết định số 728/QĐ-UBND ngày 12/5/2010 của UBND tỉnh, đồng thời tổ chức hội nghị triển khai Quyết định số 1956/QĐ-TTg đến các huyện, thành phố. Về phía Sở LĐ-TB&XH với vai trò là cơ quan thường trực thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg, Sở đã tổ chức tập huấn cho các huyện, thành phố về công tác điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu học nghề của LĐNT cũng như nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo nghề của các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn; đôn đốc Ban chỉ đạo các huyện, thành phố thực hiện công tác điều tra, khảo sát và dự báo; đồng thời tổ chức điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của LĐNT tại các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, trên cơ sở kế hoạch năm 2010 đã được phê duyệt, Sở đã tổ chức phân bổ nguồn kinh phí, hướng dẫn các cơ sở dạy nghề khảo sát nhu cầu, lập kế hoạch đào tạo nghề cho khoảng 1.700 LĐNT với các nghề: hàn, may công nghiệp, sửa chữa xe máy, điện dân dụng, mây tre đan, làm chổi chít…      
 
Nhìn chung so với nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, Hoà Bình được đánh giá là địa phương triển khai khá tốt các bước tiền đề cho thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg. Đến thời điểm này, 11 huyện, thành phố đều đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án cấp huyện. Tuy nhiên, còn huyện Lạc Thuỷ, Mai Châu và thành phố Hoà Bình chưa hoàn thành việc điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu trong khi theo kế hoạch phải xong trước ngày 10/7. Theo đó, các phần việc quan trọng khác như khảo sát, dự báo nhu cầu học nghề của LĐNT toàn tỉnh, xây dựng Đề án cấp huyện, thành phố, xây dựng Đề án cấp tỉnh… cũng hoàn thành chậm so với tiến độ kế hoạch đề ra. 
 
Theo thống kê sơ bộ của Sở LĐ-TB&XH, tỉnh ta có lực lượng lao động ở khu vực nông thôn lớn, chiếm hơn 70% số lao động của tỉnh. Hàng năm, toàn tỉnh có khoảng 27.000 lao động cần được đào tạo nghề và giải quyết việc làm mới. Tính đến cuối năm 2009, mặc dù cơ cấu lao động đã có bước chuyển dịch tích cực nhưng tỷ lệ lao động trong ngành nông, lâm, ngư nghiệp vẫn còn cao với trên 74%; tỷ lệ lao động qua đào tạo mới đạt khoảng 22,5%, tỷ lệ này ở khu vực nông thôn là 17%.
 
Trong khi đó, năng lực đào tạo của mạng lưới cơ sở dạy nghề hiện nay cũng là vấn đề đáng quan ngại: Toàn tỉnh hiện có 24 cơ sở dạy nghề, trong đó 8/11 huyện, thành phố có trung tâm dạy nghề cấp huyện. Cùng với 2 cơ sở dạy nghề của Trung ương, có 7 cơ sở dạy nghề được Dự án “Tăng cường năng lực đào tạo nghề” hỗ trợ kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề, do đó cơ bản đáp ứng yêu cầu của công tác dạy nghề. Còn lại đa số các cơ sở đều còn khó khăn, trang thiết bị lạc hậu, chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo. Trước thực tế này, một trong những vấn đề bức thiết đặt ra là tìm kiếm nguồn lực đủ mạnh để đầu tư cho các hoạt động đào tạo nghề.
 
Theo ông Nguyễn Thanh Thuỷ, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH: “Lực lượng LĐNT chiếm tỷ lệ cao trong dân số là một thuận lợi cho phát triển KT-XH. Nhưng ngược lại, chất lượng lao động thấp là sức ép lớn nhất chi phối hiệu quả thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg của tỉnh ta. Mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức nhưng tỉnh ta luôn xác định cần tranh thủ tối đa những chính sách về đào tạo nghề cho LĐNT tại Quyết định số 1956/QĐ-TTg, bởi đây là chương trình lớn, mang tính chiến lược lâu dài và có ý nghĩa quyết định đến việc nâng cao chất lượng nguồn lao động, tạo chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng hiện đại, đáp ứng thoả đáng yêu cầu phát triển KT-XH của tỉnh đến năm 2020”./.