Cao Phong là huyện nằm ở phía Tây của tỉnh, cách thành phố Hòa Bình gần 20 km. Huyện có 25.600,25 ha diện tích đất tự nhiên trên địa bàn 10 xã, thị trấn với dân số 45.749 người. Đảng bộ huyện hiện có gần 3.667 đảng viên (3.560 chính thức, 107 dự bị), sinh hoạt tại 27 tổ chức cơ sở đảng (16 Đảng bộ, 11 Chi bộ). Với tuyến quốc lộ 6 và quốc lộ 12B chạy qua là những điều kiện thuận lợi tạo đà cho kinh tế - xã hội của địa phương không ngừng phát triển.
Trong nhiệm kỳ qua, kinh tế của huyện luôn duy trì đà tăng trưởng ổn định với mức tăng bình quân trên 11%/ năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, du lịch và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 50,4 triệu đồng, cao gần gấp 2 lần so với năm 2015.
Được xác định là vùng chuyên canh cây nông nghiệp chất lượng cao của tỉnh, trong những năm qua, huyện Cao Phong đã tận dụng nguồn tài nguyên đất đai màu mỡ và khí hậu thuận lợi phát triển cây cam trở thành cây hàng hóa chủ lực của địa phương. Đến nay, toàn huyện đã phát triển được 3.015,6 ha cây ăn quả có múi, trong đó có 1.544,6 ha diện tích cây thời kỳ kinh doanh. Sản lượng niên vụ 2019 - 2020 đạt trên 36.000 tấn, cao gần gấp đôi so với đầu nhiệm kỳ. Kết quả trên có được do địa phương đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng gắn với sản xuất cam sạch theo tiêu chuẩn VietGAP với 759 hộ tham gia trên diện tích 1.018,34 ha. Qua đó, giá trị sản xuất bình quân đạt 175 triệu đồng/ 1 ha, tăng 115,8 triệu đồng/ 1 ha so với năm 2015, đồng chí Bùi Văn Dán, trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Cao Phong cho biết.
Xác định phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, trong những năm qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, sự tham gia tích cực của mỗi người dân, diện mạo nông thôn mới tại các xã của huyện Cao Phong đã có nhiều thay đổi, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện cả về vật chất và tinh thần. Đến nay, toàn huyện đã có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, xã Dũng Phong đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Có 7 khu dân cư đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; bình quân mỗi xã đạt 15,5 tiêu chí.
Đồng chí Bùi Văn Bền, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tây Phong chia sẻ: Với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy, chính quyền địa phương cùng với sự đồng thuận cao của nhân dân, Tây Phong là xã thứ 4 của huyện đã cán đích nông thôn mới vào năm 2018. Xã đã huy động 203,5 tỷ đồng để thực hiện chương trình xây dựng NTM, trong đó nhân dân đóng góp bằng tiền mặt, ngày công lao động và hiến đất, hiến tài sản trên đất trị giá 39,8 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 của xã đạt 45 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5%.
Cùng với thực hiện xây dựng nông thôn mới, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Cao Phong cũng thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững. Được thực hiện lồng ghép với nhiều chương trình phát triển kinh tế - xã hội, từ năm 2016 đến nay, toàn huyện đã huy động kinh phí gần 44 tỷ đồng thực hiện các dự án giảm nghèo bền vững. Qua đó, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm sâu qua từng năm. Nếu đầu nhiệm kỳ, tỷ lệ hộ nghèo của toàn huyện là 26,85% thì đến năm 2020 con số đó chỉ là 10,52%.
Bên cạnh những thành tựu trên lĩnh vực kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng thu được nhiều kết quả quan trọng. Đến nay, toàn huyện đã có 99,8% số hộ dân trên địa bàn được sử dụng điện lưới quốc gia. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 98%. 100% xã, thị trấn có bác sỹ với tỷ lệ 7,5 bác sỹ/ 1 vạn dân. Toàn huyện có 20/31 trường học đạt chuẩn quốc gia; 100% phòng học kiên cố. Trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, toàn huyện có 75% gia đình văn hóa, 70% xóm, khu dân cư văn hóa và 89% cơ quan, đơn vị, trường học văn hóa.
Cùng với đó, trong những năm qua, huyện Cao Phong luôn xác định du lịch là một trong những mục tiêu mũi nhọn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Huyện luôn tích cực quan tâm, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng hạ tầng cũng như đẩy mạnh công tác quảng bá về tiềm năng, thế mạnh về du lịch . Đến nay, địa phương đã quy hoạch xây dựng các tuyến, cụm, điểm du lịch. Trong đó, tuyến du lịch Bình Thanh - Thung Nai - lòng hồ sông Đà là một trong những tuyến du lịch quan trọng của tỉnh, huyện. Hàng năm, huyện Cao Phong đón trung bình trên 880.000 lượt du khách đến tham quan, lễ hội. Trong giai đoạn 2016 - 2020, huyện Cao Phong đã đón hơn 1,6 triệu lượt khách tham quan, du lịch tại huyện với tổng doanh thu đạt trên 140 tỷ đồng.
Một điểm nhấn quan trọng trong bức tranh phát triển kinh tế - xã hội của huyện Cao Phong nhiệm kỳ qua không thể không nhắc tới là việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Huyện luôn thực hiện tốt các khâu trong công tác cán bộ, đảm bảo tính dân chủ.
Đồng chí Bùi Đăng Khoa, trưởng phòng Nội vụ huyện Cao Phong cho biết: Sau nhập, đổi tên xóm và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, đến nay, huyện Cao Phong đã giảm từ 124 xóm, khu dân cư xuống còn 88 xóm, khu dân cư; giảm từ 13 xã, thị trấn xuống còn 10 xã, thị trấn. Qua đó, huyện đã giảm được 16 cán bộ, công chức tại các xã thực hiện việc sắp xếp; tiết kiệm mỗi năm hơn 112 triệu đồng cho ngân sách nhà nước. Các xóm, khu dân cư trên địa bàn huyện đã giảm được 108 người hoạt động không chuyên trách và tiết kiệm được hơn 140 triệu đồng/ năm. Bên cạnh đó, huyện cũng đã tinh giản được 95 cán bộ, công chức, viên chức theo Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị và Nghị định số 108 của Chính phủ.
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Cao Phong lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, cán bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện đã phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, huy động mọi nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Đây là nền tảng, là động lực quan trọng thúc đẩy địa phương tiếp tục thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, đứng trước nhiều thuận lợi, khó khăn đan xen, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Cao Phong nguyện đồng sức, đồng lòng xây dựng quê hương giàu về kinh tế, mạnh về chính trị, vững về quốc phòng - an ninh, đồng chí Đinh Đức Lân, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Cao Phong nhấn mạnh.
Với tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế - xã hội cùng với sự đoàn kết, thống nhất, chung sức, chung lòng sẽ là những động lực, nền tảng quan trọng để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Cao Phong đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công cuộc xây dựng quê hương đổi mới đi lên cùng đất nước. Quyết tâm xây dựng Đảng bộ huyện Cao Phong trong sạch, vững mạnh; tăng cường sức mạnh đoàn kết các dân tộc; chủ động, sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội; phát triển nông nghiệp chất lượng cao gắn với công nghiệp và du lịch để huyện Cao Phong phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng với truyền thống quê hương anh hùng./.