Trong đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm không đứt gẫy chuỗi sản xuất nông nghiệp; đồng thời rà soát, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cho sản xuất vụ tiếp theo, bảo đảm đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ nông sản trong, ngoài tỉnh và chế biến, xuất khẩu, đặc biệt là các tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Tổ chức liên kết hiệu quả vùng nguyên liệu với sơ chế, chế biến, bảo quản để nâng cao giá trị gia tăng.
Xây dựng, triển khai mô hình chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, mô hình ứng dụng công nghệ cao, kinh tế số trong nông nghiệp; xây dựng mã số vùng trồng, mã định danh cho cơ sở chăn nuôi, cơ sở nuôi trồng thủy sản; truy xuất được nguồn gốc sản phẩm; tăng cường quảng bá, tiêu thụ nông sản thông qua các kênh xúc tiến thương mại, dịch vụ, nhất là thương mại điện tử.
Chỉ đạo, tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp phòng, chống các loại dịch bệnh trên vật nuôi, cây trồng và thủy sản. Phát huy hiệu quả vai trò của Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng, tiêu thụ nông sản trong việc tiêu thụ nông sản, đặc biệt đối với rau, củ và quả có múi...Triển khai chính sách hỗ trợ giống cho nông dân để khôi phục sản xuất tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Dự báo về nhu cầu thị trường nông, lâm, thủy sản trong nước; nắm các thông tin về thị hiếu và nhu cầu nhập khẩu, đánh giá nguồn cung và quy định liên quan đến nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của các nước, cập nhật, triển khai thông tin các văn bản của Bộ Công Thương về tình hình thông quan tại cửa khẩu, hạn ngạch thuế quan, chương trình giới thiệu nền tảng hỗ trợ xuất khẩu nông sản.... để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành sản xuất nông nghiệp gắn với thị trường. Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương trong nước và nước ngoài; hỗ trợ thương nhân tiêu thụ nông sản qua kênh thương mại điện tử.
Hướng dẫn doanh nghiệp, người sản xuất thực hiện các quy định về phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả; xây dựng, hướng dẫn về phòng bệnh COVID-19 ở vùng xanh, giữa các vùng xanh để tạo điều kiện thuận lợi cho khôi phục sản xuất nông nghiệp; ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho Nhân lực hoạt động trong thu hoạch, sơ chế, chế biến, lưu thông và xuất khẩu nông sản.
Đảo đảm hệ thống giao thông vận tải thông suốt trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc vận chuyển vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp và nông sản. Triển khai, áp dụng các chính sách hỗ trợ chủ xe, lái xe giảm chi phí vận chuyển, tiêu thụ nông sản và lưu thông vật tư nông nghiệp; duy trì hoạt động thường xuyên của số điện thoại tiếp nhận thông tin và hướng dẫn giải đáp các nội dung liên quan đến hoạt động vận tải bằng ô tô; số điện thoại tiếp nhận thông tin và hướng dẫn giải đáp về trật tự, an toàn giao thông, điều tiết, phân luồng giao thông…
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp; rà soát và bố trí nguồn vốn đầu tư nâng cấp kho bảo quản, hạ tầng chế biến nông sản. Triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19.
Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát; thường xuyên, chủ động nắm chắc tình hình và tổ chức triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các biện pháp nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh, xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép nông sản, động vật, sản phẩm động vật từ nước ngoài vào Việt Nam theo quy định của pháp luật. Xử lý nghiêm các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, bảo vệ các thương hiệu nông sản trên địa bàn tỉnh.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, đoàn viên, nông dân liên kết với nhau để tạo nên các nhóm hộ, Tổ liên kết, Tổ hợp tác hoặc Hợp tác xã sản xuất nông sản đảm bảo an toàn thực phẩm; hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại và tiêu thụ nông sản.
Quảng bá và tiêu thụ nông sản thông qua thương mại điện tử (postmart.vn; voso.vn; Sendo....); chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát và lập danh sách các hộ sản xuất nông nghiệp, nhóm hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã để cùng với Bưu điện tỉnh, Chi nhánh Bưu chính Viettel Hòa Bình, Tập đoàn FPT.... phổ biến, tập huấn, đào tạo kỹ năng số; kết nối và đưa sản phẩm lên giao dịch trên các sàn thương mại điện tử./.