DetailController

Thời sự trong ngày

Đảm bảo cấp nước an toàn khu vực nông thôn

19/05/2022 00:00
Trong những năm qua tỉnh đã quan tâm và chú trọng đến lĩnh vực cấp nước sạch nông thôn. Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được đầu tư từ nhiều nguồn vốn để xây dựng các công trình nước sạch tập trung và bể chứa nước sạch, giếng đào, giếng khoan cho các hộ dân trên địa bàn tỉnh; Qua đó, đã nâng cao tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh, nước sạch; khai thác và phát huy hiệu quả công trình; nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng. Tính đến hết năm 2021 tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh là 95,38%, vượt 0,38% so với Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.
Đảm bảo cấp nước an toàn góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân

Thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn trên địa bàn tỉnh, tỉnh đã triển khai các nội dung liên quan đến cấp nước an toàn khu vực nông thôn, chương trình được thực hiện lồng ghép trong kế hoạch thực hiện Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sinh hoạt dựa trên kết quả năm 2016 và kế hoạch giai đoạn 2016-2020 tại Quyết định số 880/QĐ-UBND ngày 04/4/2016, với tổng mức đầu tư là 279.695 triệu đồng từ nguồn vốn ngân hàng thế giới và ngân sách địa phương. Trong đó, có 03 hợp phần gồm cấp nước nông thôn, vệ sinh nông thôn và nâng cao năng lực truyền thông, giám sát và đánh giá chương trình. Kết quả đã mở rộng 02 công trình, xây mới 03 công trình và cải tạo, nâng cấp, sửa chữa 05 công trình, thực hiện tổng số 13.800 đấu nối cấp nước cho cộng đồng dân cư; Xây mới 119 công trình, cải tạo 18 công trình nước sạch và nhà vệ sinh cho các trường học. Xây dựng 85 công trình nước sạch và vệ sinh trạm y tế xã; 12.408 nhà tiêu hộ gia đình và lựa chọn 60 xã đạt vệ sinh toàn xã.

Tuy nhiên trong quá trình triển khai cấp nước an toàn nông thôn còn gặp phải một số khó khăn như: Các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn được đầu tư xây dựng từ lâu, chủ yếu từ chương trình mục tiêu Quốc gia nước sạch và VSMTNT. Công tác quản lý vận hành sau đầu tư còn nhiều bất cập, do vậy các công trình không thường xuyên được bảo dưỡng định kỳ, do đó công trình nhanh bị xuống cấp, chất lượng nước không đảm bảo có những công trình hiện tại không phát huy được hiệu quả. Số lượng các công trình cấp nước tập trung chưa nhiều, thiếu đồng bộ, nhiều công trình đang áp dụng hình thức xử lý nước lạc hậu dẫn đến kết quả nước sau xử lý không đạt được các chỉ tiêu theo tiêu chuẩn.

Giai đoạn 2022 – 2025, dự kiến sẽ thực hiện 18 danh mục công trình cấp nước an toàn vào hệ thống cấp nước tập trung do Trung tâm Nước sạch và VSMTNT (Sở NN&PTNT) quản lý để thực hiện mua hóa chất; sửa chữa các hộp van điều tiết; sửa chữa đường ống cấp và đường ống dịch vụ; tuyên truyền sử dụng nước an toàn; nào vét đầu nguồn; xúc rửa đường ống. Sở NN& PTNT tiếp tục thực hiện  rà soát hiện trạng tất cả các công trình nước sạch nông thôn đang được khai thác sử dụng trên địa bàn, đề xuất nhu cầu đầu tư sửa chữa, nâng cấp và xây dựng mới trong giai đoạn 2021 – 2030 để tổng hợp đưa vào Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tăng cường thông tin tuyên truyền và xây dựng kế hoạch truyền thông về bảo đảm cấp nước an toàn và triển khai thực hiện thông qua các hình thức khác nhau nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng đối với sử dụng tài nguyên nước. Đầu tư trang thiết bị, công nghệ và thực hiện các hoạt động hỗ trợ khác nhằm quản lý rủi ro, khắc phục sự cố (Ứng dụng công nghệ thông tin bảo đảm cấp nước an toàn); Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực làm việc nói chung và về cấp nước an toàn cho 100% người lao động trong đơn vị cấp nước; Kiểm tra, giám sát về phạm vi được cung cấp bảo đảm cấp nước an toàn, các chỉ số liên quan đến kiểm soát rủi ro, chất lượng nước, chất lượng dịch vụ cấp nước (về áp lực, tính liên tục, thời gian cấp nước ...) đối với từng hệ thống cấp nước. Áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào quản lý cấp nước an toàn phù hợp cho tất cả các trạm cấp nước: Xây dựng hệ thống điều khiển, giám sát, quản lý đồng bộ hệ thống cấp nước từ chất lượng nguồn nước, xử lý nước, đường ống và thiết bị trên mạng đến khách hàng sử dụng nước./.