DetailController

Khoa học - Môi trường

Đảm bảo an toàn hồ đập trước mùa mưa lũ

10/05/2022 00:00
Trên toàn tỉnh hiện có 544 hồ chứa thủy lợi các loại, trong đó có 474 hồ chứa thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, 70 hồ chứa không thuộc phân loại hồ tại Nghị định 114/2018/NĐ-CP. Trong 474 đập, hồ chứa nước cần thực hiện các quy định về an toàn đập có 49 hồ lớn, 151 hồ đập loại vừa, 274 hồ đập loại nhỏ.

Hiện Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi quản lý 203 hồ chứa là các hồ chứa lớn và vừa trên địa bàn tỉnh, số lượng hồ chứa còn lại được phân cấp cho cấp huyện quản lý, trực tiếp là các Hợp tác xã, tổ hợp tác và UBND các xã vận hành khai thác. Qua báo cáo của các huyện, thành phố, Công ty Khai thác công trình thủy lợi, phần lớn các công trình đập, hồ chứa nước trên địa bàn các huyện được đánh giá đảm bảo an toàn trước mùa mưa lũ năm 2022. Tuy vậy, vẫn còn một số hồ chứa đang thi công, sửa chữa nhưng chậm tiến độ; một số công trình bị hư hỏng, xuống cấp cần được tiếp tục sửa chữa nâng cấp để đảm bảo an toàn.

Theo rà soát hiện có 116 hồ bị hư hỏng xuống cấp, 428 hồ hoạt động bình thường (bao gồm cả hồ đang sửa chữa, nâng cấp). Số lượng hồ đập hư hỏng xuống cấp chiếm 21,32% tổng số hồ chứa toàn tỉnh, tuy nhiên do điều kiện khó khăn về kinh phí nên chưa có kinh phí để sửa chữa, nâng cấp, hàng năm các đơn vị quản lý, khai thác thực hiện gia cố đảm bảo an toàn cho công trình trong mùa mưa lũ. Tổng có 168 hồ đập, bai và công trình thủy lợi hư hỏng, xuống cấp cần phải nâng cấp sửa chữa.

Thực hiện sửa chữa, khắc phục 56 công trình hư hỏng do thiên tai gây ra năm 2021, hiện có 31 công trình đang thi công đạt tiến độ từ 5 – 98% khối lượng; 03 công trình đang chuẩn bị thi công; 22 công trình đã thi công đạt 100% khối lượng và hoàn thành công trình đưa vào sử dụng.

Theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh các điểm xung yếu bao gồm: 07 vị trí đê điều xung yếu; 65 hồ chứa thủy lợi có nguy cơ mất an toàn hoặc xả lũ ảnh hưởng lớn đến vùng hạ du, nhất là đối với các hồ đang thi công; 11 hồ chứa thủy điện có nguy cơ mất an toàn hoặc xả lũ ảnh hưởng lớn đến vùng hạ du, nhất là đối với các hồ đang thi công; 14 công trình chống úng, hạn; 11 công trình chống sạt lở, sụt lún đất; 3 công trình phòng chống lũ quét; 02 nhà kết hợp sơ tán dân; 14 khu vực đường tỉnh lộ nguy cơ bị sạt lở, ngập lụt sâu, chia cắt khi xảy ra mưa lũ; 04 bến cảng, khu neo đậu tàu thuyền nguy cơ mất an toàn khi bão đổ bộ; 09 hệ thống lưới điện nguy cơ bị sự cố khi xảy ra thiên tai; 05 hầm mỏ có nguy cơ bị sự cố sạt lở khi xảy ra mưa lũ; 07 công trình tháp cao nguy cơ mất an toàn khi bão đổ bộ; 28 công trình khác phục vụ phòng, chống thiên tai; 02 khu công nghiệp; 12 khu nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp giá trị cao. Hầu hết, các điểm xung yếu đã xây dựng phương án ứng phó thiên tai hàng năm nhằm đảm bảo an toàn cho công trình và người dân xung quanh. Các điểm xung yếu, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương và các đơn vị có liên quan chỉ đạo ứng phó thiên tai nhằm nâng hiệu quả, kịp thời trong mùa mưa lũ năm 2022.

Với tư tưởng chỉ đạo: Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục hậu quả nhanh chóng, hiệu quả trong đó lấy phòng tránh là chính với phương châm ''4 tại chỗ'' do đó trước mùa mưa lũ các đơn vị đã chủ động xây dựng các phương án, kế hoạch và kiểm tra lại lực lượng, phương tiện và vật tư dự phòng, đảm bảo cho công tác ứng phó thiên tai năm 2022. Tuy nhiên, phần lớn các địa phương khi xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai chưa bám sát với thực tế, việc lập phương án ứng phó với cấp độ rủi ro thiên tai, phương án phòng chống thiên tai giai đoạn của các địa phương vẫn chưa triển khai thực hiện.

Để tăng cường tính chủ động cũng như công tác phối hợp trong phòng chống thiên tai, Sở NN&PTNT đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh giao các cơ quan chức năng nghiên cứu bố trí nguồn kinh phí sửa chữa, khắc phục các công trình phòng chống thiên tai và ổn định đời sống người dân. Đề nghị Uỷ ban nhân dân các huyện, các Ban quản lý dự án, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình Thủy lợi chỉ đạo và thực hiện tiếp tụctriển khai thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị, văn bản chỉ đạo, đôn đốc của Uỷ ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT và các cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực phòng chống thiên tai; Chỉ đạo khẩn trương lập phương án ứng phó thiên tai cho công trình và vùng hạ du đối với công trình đang thi công; lập phương án ứng phó thiên tai và phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp đối với các công trình hồ chứa đang hoạt động. Xác định các công trình đang có sự cố, hư hỏng trọng điểm, xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho công trình; phối hợp chặt chẽ để triển khai phương án đảm bảo an toàn cho công trình trong mùa mưa bão 2022, xây dựng quy chế phối hợp trong công tác đảm bảo an toàn công trình giữa địa phương và đơn vị quản lý công trình. Đẩy nhanh tiến độ các hồ đập đang thi công, tập trung nhân lực và vật lực thi công các công trình hồ, đập bảo đảm hoàn thành tiến độ thi công vượt lũ, chống lũ an toàn. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình Thủy lợi Hòa Bình khẩn trương kiểm tra, rà soát xử lý các hành vi vi phạm công trình thủy lợi, đặc biệt là các công trình hồ chứa nước, đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn cho các tổ chức cá nhân thực hiện nghiêm túc các quy định về phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; kiểm tra phát dọn, xử lý tổ mối trên thân đê, đập và duy tu sửa chữa các hạng mục như máy móc thiết bị, van điều tiết, vị trí sạt lở để thuận lợi cho công tác kiểm tra, đánh giá an toàn đập, hạn chế phát sinh các hư hỏng lớn từ những hư hỏng nhỏ./.