Theo bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, áp thấp nhiệt đới trên khu vực Bắc Biển Đông đã mạnh lên thành bão (bão số 01). Đồng thời, trong những ngày vừa qua, khu vực Bắc Bộ đã có mưa lớn; dự báo ngày 30/6 tiếp tục mưa 30 -70mm, có nơi trên 100mm; đợt mưa này còn kéo dài và diễn biến phức tạp trong những ngày đầu tháng 7 do ảnh hưởng của hoàn lưu bão; nguy cơ cao đến rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi Bắc Bộ trong đó có tỉnh Hoà Bình. Tính đến 14h00’ ngày 30/6/2022 trên địa bàn tỉnh lượng mưa lớn nhất đạt 135,8mm (tại xã Ngọc Sơn, huyện Lạc Sơn). Đến thời điểm hiện tại, Công ty thuỷ điện Hoà Bình thực hiện mở duy trì 01 cửa xả đáy để đảm bảo an toàn cho hồ Hoà Bình.
Để kịp thời khắc phục các thiệt hại do mưa, bão gây ra, bảo đảm giao thông thông suốt, Sở Giao thông vận tải yêu cầu Thanh tra Sở; Ban Quản lý dự án Xây dựng và Bảo trì công trình giao thông; các nhà thầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ khẩn trương thực hiện các nội dung sau: Tiếp tục nghiêm túc triển khai thực hiện: Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 05/01/2022 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc Về việc tăng cường công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, phòng chống mưa lũ trên địa bàn tỉnh Hòa Bình năm 2022; Phương án số 567/PA-SGTVT ngày 04/3/2022 của Sở Giao thông vận tải Hòa Bình về phòng, chống thiên tai, đảm bảo an toàn giao thông năm 2022; các quy định của pháp luật về công tác PCTT&TKCN và các văn bản chỉ đạo khác của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Giao thông vận tải.
Theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai, thời tiết của các cơ quan chuyên môn, đài phát thanh truyền hình tỉnh, chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh diễn biến tình hình thời tiết tại địa phương, để chủ động ứng phó với mưa lớn, dông, lốc, sét, mưa đá, gió giật mạnh và lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra trên địa bàn.
Ban Quản lý dự án Xây dựng và Bảo trì công trình giao thông chỉ đạo các nhà thầu thi công thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn giao thông, an toàn lao động khi triển khai thi công; đẩy nhanh tiến độ thi công, tạm dừng thi công khi có thiên tai xảy ra, đồng thời thi công đúng điểm dừng kỹ thuật, thực hiện đầy đủ các biện pháp cảnh báo, đảm bảo an toàn giao thông trên đoạn tuyến được bàn giao khi dừng thi công; có biện pháp bảo vệ vật tư, máy móc phục vụ thi công trong thời gian diễn ra thiên tai.
Đối với lực lượng Thanh tra Sở: Tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, phối hợp với các lực lượng chức năng kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông; không để xảy ra trường hợp mất an toàn giao thông khi có thiên tai xảy ra do vi phạm hành lang an toàn đường bộ, xây dựng công trình trái phép trên đường bộ. Phân công lực lượng thanh tra đường bộ phối hợp với các lực lượng chức năng thực hiện công tác hướng dẫn giao thông, phân luồng đảm bảo an toàn giao thông khi có ách tắc giao thông do thiên tai.
Đối với các nhà thầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ: Thực hiện công tác quản lý, bảo dưỡng thường xuyên đường bộ theo hợp đồng đã ký kết và các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành. Tập trung kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ ngập lụt, sụt lở đất, lũ quét để có phương án xử lý và phân luồng giao thông từ xa; Bố trí lực lượng trực gác, hướng dẫn giao thông tại các vị trí có nguy cơ bị nước ngập sâu, chảy xiết, nhất là qua ngầm, tràn, bến phà, cầu phao, đò ngang;
Thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý các vị trí hư hỏng, đặc biệt là hệ thống báo hiệu để đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt. Xây dựng các phương án, chuẩn bị vật tư, phương tiện thiết bị và bố trí cán bộ, lãnh đạo thường trực thực hiện công tác đảm bảo giao thông tại các điểm hay xảy ra ùn tắc giao thông, đèo dốc; khắc phục kịp thời hư hỏng do thiên tai gây ra đối với công trình đường bộ để đảm bảo giao thông nhanh nhất. Tăng cường các biện pháp cảnh báo, tuyên truyền để các lái xe, đặc biệt là xe chở khách qua các khu vực đèo dốc, có ảnh hưởng của sương mù, trơn trượt tiềm ẩn mất ATGT.
Thực hiện phương châm bốn tại chỗ, nhằm đảm bảo giao thông an toàn thông suốt, khắc phục kịp thời do mưa lũ gây ra. Kịp thời báo cáo Sở Giao thông vận tải về các công trình có nguy cơ mất an toàn cũng như thiệt hại khi có thiên tai xảy ra đối với các tài sản hạ tầng do đơn vị được Sở giao quản lý./.