DetailController

Quốc phòng - An ninh

Đảm bảo an ninh nguồn nước và an toàn hồ, đập

21/10/2022 00:00
Hòa Bình nằm trên lưu vực của 3 hệ thống sông lớn gồm: Sông Đà, sông Mã, sông Đáy bao gồm 400 sông suối nhỏ, trong đó có khoảng 50% sông suối. Các sông lớn có lưu lượng dòng chảy khá gồm: Sông Đà, sông Bôi, sông Bùi, sông Bưởi, sông Lạng, Sông Mã.
Tiềm năng nước mặt tỉnh Hòa Bình trung bình năm khoảng 57,5 tỷ m3, trong đó lượng nước sông Đà từ bên ngoài cung cấp 53,1 tỷ m3

Trữ lượng nước mặt của các sông, suối trên địa bàn tỉnh tương đối dồi dào, tốc độ dòng chảy cao. Với đặc điểm thuận lợi nên tỉnh có số lượng đập, hồ chứa nước tương đối lớn, toàn tỉnh có 555 công trình đập, hồ chứa nước, bao gồm 544 hồ chứa thủy lợi, 01 hồ chứa thủy điện đặc biệt ( Hồ Hòa Bình), 10 hồ chứa thủy điện nhỏ. Trong 544 hồ chứa thủy lợi các loại, có 474 hồ chứa thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập (49 hồ lớn, 151 hồ đập loại vừa, 274 hồ đập loại nhỏ) và 70 hồ chứa không thuộc phân loại hồ tại Nghị định 114/2018/NĐ-CP.

Tiềm năng nước mặt tỉnh Hòa Bình trung bình năm khoảng 57,5 tỷ m3, trong đó lượng nước sông Đà từ bên ngoài cung cấp 53,1 tỷ m3 và lượng dòng chảy trên tỉnh Hòa Bình đạt 4,4 tỷ m3. Nguồn nước mặt của Hòa Bình khá phong phú tuy nhiên do nguồn nước phân bố không đồng đều theo không gian và thời gian, kết quả tính toán cân bằng nước cho thấy vẫn có khả năng thiếu nước trong nhiều khu đặc biệt vào 3 tháng mùa kiệt.

Trong những năm qua Ủy ban nhân dân tỉnh đã quan tâm và chú trọng đến lĩnh vực cấp nước sạch nông thôn, Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được đầu tư từ nhiều nguồn vốn xây dựng các công trình nước sạch tập trung và bể chứa nước sạch, giếng đào, giếng khoan cho các hộ dân trên toàn tỉnh. Tính đến hết năm 2021, tỷ lệ hộ gia đình sử dựng nước hợp vệ sinh đạt 95,38%, tỷ lệ hộ gia đình sử dựng nước sạch đáp ứng quy chuẩn Việt Nam đạt 50,2%. Ngoài ra, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt Danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ và cải tạo, phục hồi trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Đến nay, có 05 công trình hồ chứa đã hoàn thành thi công cắm mốc phạm vi bảo vệ đập và hành lang bảo vệ nguồn nước, 03 công trình đang tiến hành triển khai cắm mốc phạm vi bảo vệ đập và hành lang bảo vệ nguồn nước.

Tuy nhiên, công tác bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước còn nhiều hạn chế như: cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước và đập, hồ chứa thủy lợi để bảo vệ nguồn nước còn chậm, việc vi phạm hành lang vẫn diễn ra do nhu cầu phát triển dân cư, du lịch.... Công tác quản trị nguồn nước còn chưa hiệu quả; ý thức, trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương và người dân trong việc quản lý, khai thác, sử dụng nước chưa cao; ô nhiễm nguồn nước ngày càng nghiêm trọng. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước còn thiếu, chưa đồng bộ. Nhiều công trình thuỷ lợi xuống cấp; rủi ro, mất an toàn đập, hồ chứa nước có xu hướng gia tăng. Việc phát triển công nghiệp, đô thị chưa gắn với bảo đảm an ninh nguồn nước, làm suy giảm số lượng, chất lượng nguồn nước, thậm chí gây mất an ninh nguồn nước. Số lượng công trình nhiều, lại nằm rải rác, phân tán, công tác quản lý khó khăn. Lực lượng cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước của tỉnh còn mỏng. Nguồn kinh phí phục vụ cho thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài nguyên nước ở địa phương còn hạn chế, do đó công tác tập huấn, tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên nước do Trung ương và địa phương ban hành chưa thực hiện được rộng rãi tới các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Tình trạng các dự án đầu tư, các cơ sở khai thác, sử dụng tài nguyên nước hoặc xử lý không triệt để gây ô nhiễm nguồn nước ... vẫn còn tồn tại.

Do đó, thời gian tới để đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước, đảm bảo đảm số lượng, chất lượng nước phục vụ dân sinh trong mọi tình huống, các cấp ủy đảng, chính quyền cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Dựa trên hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương để triển khai xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp với tỉnh liên quan đến an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước bảo đảm đồng bộ, khả thi. Cần triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các phương án phát triển thủy lợi, cấp nước; phương án thiên tai ứng phó với biến đổi khí hậu trong quy hoạch tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Thực hiện điều tra, đánh giá, giám sát trữ lượng nguồn nước, phục vụ hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành. Chủ động tích trữ, điều hoà, phân phối nguồn nước, đáp ứng yêu cầu sử dụng nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, vận hành, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước. Tăng cường năng lực, chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai, nguy cơ mất an ninh nguồn nước theo thời gian thực; kịp thời cung cấp thông tin, dữ liệu, bảo đảm chủ động trong phát triển kinh tế - xã hội và dân sinh. ưu tiên tập trung nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến, hiện đại, thông minh, vật liệu thân thiện với môi trường, phục vụ quản lý nguồn nước, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước tiêu biểu như công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, tưới nhỏ giọt, phun mưa, hệ thống thu gom nước mặt,... Từ đó phát triển rộng rãi ứng dụng vào thực tế, phục vụ cho hoạt động của các mô hình trong sản xuất nông nghiệp, ưu tiên tập trung cho các khu vực thiếu nước trên địa bàn tỉnh Hoà Bình. Tăng cường bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn sinh thuỷ, phòng, chống ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về bảo đảm an ninh nguồn nước./.