Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể tỉnh; UBND các huyện, thành phố; các tổ chức xã hội; các cơ quan, ban, ngành đoàn thể; sự ủng hộ của các công ty, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm; đặc biệt là sự quan tâm, chăm lo của nhân dân các dân tộc trong tỉnh nên sự nghiệp giáo dục và đào tạo tỉnh Hòa Bình đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Trong đó có sự đóng góp rất quan trọng của công tác xã hội hóa giáo dục. Những thành tích đạt được trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hôi, an ninh quốc phòng trên địa bàn.
Công tác xã hội hóa giáo dục trong giai đoạn 2004-2011 đã góp phần nâng cao nhận thức của mọi thành viên trong xã hội về vai trò, vị trí của giáo dục và đào tạo đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, của mỗi dòng họ, gia đình, mỗi người dân nên đã tạo ra những chuyển biến cơ bản. Bên cạnh đó, xã hội hóa giáo dục cũng góp phần đa dạng hóa các loại hình trường lớp. Từ đó góp phần tích cực thực hiện mục tiêu phát triển số lượng, quy mô, loại hình trường, lớp, học sinh các cấp. Hơn 8 năm qua, quy mô, loại hình trường lớp không ngừng được mở rộng đã đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập của con em nhân dân các dân tộc trên địa bàn. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 1.200 trường mầm non, tiểu học, PTCS, THCS, PTDTNT, THPT, lớp lồng ghép trình độc khác nhau, trung tâm giáo dục thường xuyên…
Ngoài ra, chất lượng giáo dục cũng không ngừng được nâng cao khi tỷ lệ hoàn thành chương trình tiểu học hằng năm đạt 99%; tỷ lệ học sinh xét tốt nghiệp THCS đạt 99%; tỷ lệ tôt nghiệp THPT đạt 97%. Đến nay, qua 22 lần tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, đoàn học sinh tỉnh Hòa Bình đã đoạt tổng cộng 1.040 giải. Hằng năm, toàn tỉnh có từ 4.000 đến 5.000 học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp.
Phát huy những thành quả đó, thời gian tới ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hòa Bình sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động và cung cấp thông tin về xã hội hóa giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội; tham gia đóng góp xây dựng vào quy hoạch, kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển xã hội hóa giáo dục; tăng cường quỹ đất xây dựng các trường học và công trình phục vụ các hoạt động của các nhà trường…