Hiện nay, huyện Đà Bắc có nhiều di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc trên địa bàn giá trị như: Di tích lịch sử căn cứ cách mạng Mường Diềm thuộc xã Trung Thành; di tích lịch sử căn cứ cách mạng Tu Lý - Hiền Lương thuộc xã Tú Lý, Hiền Lương, Cao Sơn; di tích Địa điểm chiến thắng Dốc Tra, xã Toàn Sơn; bia Lê Lợi xã Vầy Nưa trong đó Đền Thác Bờ xã Vầy Nưa, là một trong những địa điểm văn hóa tâm linh, tín ngưỡng nổi tiếng ở Hòa Bình, hàng năm thu hút hàng nghìn khách du lịch, đặc biệt vào dịp lễ tết. Bên cạnh đó, đồng bào các dân tộc Tày, Mường, Dao tại các xóm: Sưng, Ké, Đức Phong, Nhạp, Sổ, Rãnh, Thu Lu, Nước Mọc,…còn lưu giữ những nét văn hóa truyền thống đặc trưng của từng dân tộc như: Tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, tri thức dân gian, tập quán xã hội, lễ hội truyền thống, trang phục dân tộc, nghề thủ công truyền thống, là điều kiện thuận lợi cho phát triển văn học, nghệ thuật tại địa phương.
Theo Nghị quyết số 23- NQ/TW, ngày 10/6/2008 của Bộ Chính trị (khoá X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, UBND huyện Đà Bắc đã chỉ đạo tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, đơn vị và mọi tầng lớp Nhân dân. Trong 15 năm qua đã xây dựng được 14 phóng sự, 28 tin bài tuyên truyền trên hệ thống Đài truyền thanh của huyện; lắp đặt và thay mới được trên 150 pano, treo khoảng 1.250 băng rôn tuyên cổ động trực quan. Tổ chức được 12 hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng cấp huyện và 186 hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng cấp xã. Bên cạnh đó, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện phù hợp với thực tế ở cơ sở, cụ thể hóa nhiệm vụ công tác văn học, nghệ thuật vào nội dung chương trình, kế hoạch công tác hàng năm, góp phần đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống, tạo chuyển biến tích cực trong việc thực hiện Nghị quyết ở các cấp. Ban chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” huyện đã thường xuyên được kiện toàn các thành viên và phát huy tốt vai trò hoạt động.
Nhờ làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, một số chương trình, hoạt động văn hóa, nghệ thuật trên địa bàn huyện đã được tổ chức thành công tạo được ấn tượng tốt trong Nhân dân, mức hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật của Nhân dân đượccải thiện. Công tác xã hội hóacác hoạt động văn hóa, nghệ thuật được đẩy mạnh, ngày càng có nhiều tổ chức xã hội và cá nhân tham gia bảo vệ và phát huy giá trị văn học, nghệ thuật. Công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa về lĩnh vực văn học, nghệ thuật được triển khai tích cực. Công tác phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước đối với các hoạt động văn học, nghệ thuật đã có sự gắn kết, phối hợp chặt chẽ hơn. Hoạt động giao lưu trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật cũng được đẩy mạnh…
Qua công tác rà soát, kiểm kê huyện Đà Bắc có 146 di sản văn hóa phi vật thể thuộc lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, trong đó: Loại hình tiếng nói chữ viết 04; Ngữ văn dân gian 63; Nghệ thuật trình diễn dân gian 24; Tập quán xã hội 21; Lễ hội truyền thống 02; Nghề thủ công truyền thống 05; Tri thức dân gian 27. Trong năm 2022, huyện phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng tỉnh Hòa Bình tổ chức 02 đợt khảo sát, điền dã, sưu tầm về di sản văn hóa Mo Mường, đã tiến hành gặp gỡ trực tiếp các nghệ nhân Mo Mường trên địa bàn huyện để tọa đàm, thu thập thông tin, dữ liệu phục vụ cho việc lập hồ sơ đệ trình tổ chức UNESCO công nhận Mo Mường Hòa Bình là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đội ngũ nghệ nhân dân gian là người dân tộc thiểu số của địa phương có 21 nghệ nhân (gồm 07 nghệ nhân Mo Mường, 02 nghệ nhân dệt cạp váy Mường, 09 nghệ nhân hát Thường đang bộ mẹng dân tộc Mường, 02 nghệ nhân về tiếng nói, chữ viết dân tộc Dao; 01 nghệ nhân tiếng nói, chữ viết dân tộc Tày) trong đó có 04 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.
Các hoạt động biểu diễn nghệ thuật trên địa bàn huyện được kiểm tra thường xuyên, đảm bảo hoạt động theo đúng các quy định của pháp luật; nội dung và hình thức ngày càng phong phú, thu hút đông đảo quần chúng Nhân dân.Văn hóa nghệ thuật truyền thống được quan tâm bảo tồn và phát huy thông qua việc hàng năm tổ chức các hội thi, hội diễn, liên hoan định kỳ. Các chương trình nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị, biểu diễn phục vụ Nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng khó khăn được quan tâm thực hiện, góp phần thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa, văn nghệ giữa các địa phương trong huyện. Hàng năm, huyện Đà Bắc tổ chức từ 03 đến 04 chương trình giao lưu biểu diễn nghệ thuật và tham dự hội thi, hội diễn cấp tỉnh, qua đó đã thể hiện bản sắc văn hóa của từng dân tộc, góp phần nâng cao ý thức của nhân dân trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện.
Công tác xây dựng, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa cơ sở trên địa bàn huyện Đà Bắc cũng nhận sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể, sự ủng hộ của các doanh nghiệp và nhất là sự đồng thuận, tích cực hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân. Cơ sở vật chất của hệ thống thiết chế văn hóa từ huyện đến các xã, xóm, tiểu khu được quan tâm đầu tư, mở rộng cả về quy mô và trang thiết bị, cơ bản hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Hiện nay, toàn huyện có 103/122 khu dân cư có nhà văn hóa; 122 khu dân cư có đội văn nghệ. Các đội văn nghệ đã tổ chức tốt các hoạt động văn hóa văn nghệ tạo không khí vui tươi, phấn khởi, củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Về sáng tạo văn học nghệ thuật, hiện nay huyện Đà Bắc có 01 Câu lạc bộ Văn nghệ với trên 19 thành viên là cán bộ đương chức, cán bộ nghỉ hưu, và nhiều cộng tác viên tham gia. Câu lạc bộ văn nghệ hoạt động trên các nội dung của văn học nghệ thuật, sáng tác các thể loại như: Truyện ngắn, sáng tác thơ ca, dịch truyện dân gian dân tộc Tày, chữ viết dân tộc Tày, điêu khắc, hội họa, tranh nghệ thuật...
Thời gian tới bên cạnh việc tuyên truyền các chủ trương, chính sáng của Đảng, pháp luật của Nhà nước về xây dựng văn học, nghệ thuật. Các cấp, các ngành cần gìn giữ duy trì và phát huy các giá trị của văn học nghệ thuật của các dân tộc, truyền thống cách mạng của huyện, giá trị lịch sử, văn hóa từ lâu đời của huyện. Tiếp tục có các tác phẩm mới có giá trị ở tất cả các lĩnh vực văn, thơ, mỹ thuật, âm nhạc, văn nghệ dân gian, nhiếp ảnh, đáp ứng được nhu cầu về hưởng thụ, nghiên cứu văn hóa của nhân dân, đưa văn học nghệ thuật của huyện lên một tầm giá trị mới, đóng góp vào sự phát triển của văn học nghệ thuật tỉnh Hòa Bình./.