DetailController

Thời sự trong ngày

Đà Bắc: Ưu tiên tập trung phát triển nông nghiệp theo ba nhóm sản phẩm lợi thế

10/05/2022 00:00
Nhằm xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa đồng thời phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế của huyện, nâng cao thu nhập, chất lượng cuộc sống người dân, UBND huyện Đà Bắc đã xây dựng kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mô hình trồng cây gai xanh đang được triển khai trên địa bàn huyện Đà Bắc

Huyện đặt mục tiêu đến năm 2030 tốc độ tăng trưởng ngành nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2021 - 2025 đạt bình quân từ 4,5 - 5%/năm; giai đoạn 2026 - 2030 đạt bình quân từ 3,5 - 4%/năm.Nâng cao thu nhập người dân, giảm nghèo bền vững. Thu nhập của cư dân nông thôn cao hơn 2,5 - 3 lần. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm bình quân 4-5%/năm. Phấn đấu tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm xuống dưới 60%, tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt 55 - 60%.Toàn huyện có ít nhất 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn. Tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định ở mức 61%.

Huyện tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn kết chặt chẽ với du lịch, thị trường tiêu thụ, bảo vệ môi trường, sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng bộ với thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh trong sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Phát huy lợi thế của mỗi tiểu vùng để tiếp tục phát triển các vùng chuyên canh tập trung. Đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, kinh tế hợp tác; tiếp tục chuyển đổi, thành lập mới và nâng cao năng lực hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp; nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân nông thôn, góp phần đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Trong đó sẽ ưu tiên tập trung thúc đẩy phát triển các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của từng vùng, địa phương theo 3 nhóm sản phẩm gồm: Nhóm sản phẩm nằm trong danh mục các sản phẩm chủ lực quốc gia (như: lúa gạo, cây ăn quả có múi, cây rau đậu các loại, cây sắn, thịt lợn, chăn nuôi gia cầm); nhóm sản phẩm chủ lực cấp huyện (như cây ngô, cây dược liệu, cây chè, cá lồng, gỗ và các sản phẩm từ gỗ, lợn bản địa); nhóm sản phẩm đặc sản địa phương và lợi thế vùng miền (như các loại thực phẩm, dược liệu)

Trên lĩnh vực trồng trọt, sẽ tập trung mở rộng diện tích canh tác lúa chất lượng cao và lúa hữu cơ; chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn (dược liệu, cỏ, ngô sinh khối...). Duy trì ổn định diện tích trồng cây ăn quả có múi khoảng 158 ha, sử dụng các giống năng suất, chất lượng, ít hạt, rải vụ; cây dược liệu lên 300 ha. Phát triển chè chuyên canh lên trên 108,7 ha, cây mía ăn tươi khoảng 50 ha. Tiếp tục cải tạo vườn tạp; phát triển các giống cây mới phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng.

Phát triển chăn nuôi theo hướng chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung an toàn sinh học, đẩy mạnh cải thiện chăn nuôi nông hộ. Hình thành khu, vùng chăn nuôi tập trung, khép kín, xa khu dân cư, liên kết theo chuỗi giá trị; phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại. Tốc độ phát triển tăng trưởng ngành chăn nuôi hằng năm đạt 11 -12%; tỷ trọng ngành chăn nuôi đạt trên 30% tổng giá trị ngành nông nghiệp của huyện. Thực hiện chăn nuôi công nghiệp an toàn sinh học, chăn nuôi nông hộ thân thiện với môi trường; phát triển vật nuôi bản địa (lợn bản địa; vịt đầu xanh...) theo hướng hàng hóa.

Rà soát lại quy hoạch theo chức năng từng loại rừng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển rừng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Bảo vệ nghiêm ngặt hơn 5 nghìn ha rừng đặc dụng, duy trì tính đa dạng sinh học của rừng; bảo vệ diện tích rừng tự nhiên phòng hộ, sản xuất hiện có; tăng năng suất, giá trị kinh tế rừng sản xuất bằng chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn và trồng rừng có thâm canh; triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch tổ chức thực hiện Đề án một tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ, huyện Đà Bắc giai đoạn 2021-2025.

Phát triển ngành thủy sản theo hình thức nuôi kết hợp, nuôi lồng tại các hồ chứa. Phát triển nuôi các loài thủy sản có giá trị cao, phục vụ chế biến và xuất khẩu. Đến năm 2025, diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản 82 ha, có trên 2.200 lồng nuôi cá, sản lượng thủy sản đạt trên 1.900 tấn.

Huyện sẽ thực hiện thúc đẩy hợp tác, liên kết, phát triển chuỗi giá trị, các mô hình nông nghiệp tiên tiến; Phát triển kinh tế nông thôn tạo việc làm và tăng thu nhập cho dân cư nông thôn; Xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại gắn với đô thị hóa, giữ gìn văn hóa truyền thống; Phát triển bao trùm, đảm bảo công bằng phúc lợi xã hội ở nông thôn; phát triển nông nghiệp đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái và thích nghi với biến đổi khí hậu. Phấn đấu đến năm 2050 sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, hiện đại, bền vững và thu hút các doanh nghiệp, Hợp tác xã, chủ trang trại đầu tư sản xuất nông nghiệp hữu cơ, chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm và an ninh lương thực. Bảo đảm phát triển sản xuất gắn với hiện đại hóa xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.Đến năm 2050 ứng dụng công nghệ cao, thông minh, số hóa trong nông nghiệp./.