Năm học 2010-2011, ngành GD&ĐT huyện Đà Bắc có 64 trường học (19 trường mầm non, 24 trường tiểu học, 17 trường THCS và 4 trường phổ thông cơ sở). Năm học này, quy mô trường lớp tiếp tục đầu hoàn thiện. Ngành đã tạo được một số nét mới đáng ghi nhận như đã huy động được 97,4% số trẻ mầm non ra lớp (nhóm trẻ đạt 31,1%), 14/ 24 trường tiểu học học 2 buổi/ngày. Không có học sinh tiểu học bỏ học, tỷ lệ bỏ học của THCS chỉ còn 0,5%.
Theo đồng chí Đoàn Thị Hải, Trưởng phòng GD&ĐT huyện, điều đáng mừng nhất trong năm học này là sự chuyển biến đáng kể trong chất lượng giáo dục giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn; chất lượng giáo dục mũi nhọn được nâng cao, giảm tỷ lệ học sinh yếu. Điển hình của giáo dục Đà Bắc không chỉ ở các trường vùng trung tâm như tiểu học Kim Đồng, tiểu học Triệu Phúc Lịch, THCS Cao Sơn, THCS thị trấn mà còn mở rộng đến nhiều xã khác như tiểu học Yên Hòa, tiểu học Đồng Chum A. Đặc biệt, trường tiểu học Tân Pheo B đang được tiến hành các thủ tục để công nhận là trường chuẩn quốc gia giai đoạn 2001-2010. Nhiều năm gần đây, trường đều có học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh.
Khó khăn với ngành GD&ĐT Đà Bắc không khác trước nhưng cấp độ đã giảm (ví dụ như về chất lượng, số lượng đội ngũ nhà giáo, cơ sở vật chất...). Mặt khác, ngành đã có những thuận lợi trong quá trình triển khai nhiệm vụ năm học. Đó là sự quan tâm thiết thực của các cấp ủy, chính quyền. Trong đó xã hội hóa giáo dục đã tạo được nét chuyển biến khi nhiều cấp, ngành, tổ chức đã vào cuộc hiệu quả hơn. Trong sự hỗ trợ đó, ngành đã phát huy tốt được sức vươn lên của các trường, của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên trong toàn ngành (1504 người, trong đó có 573 đảng viên). Ngành đã có những giải pháp cụ thể để không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ như tổ chức nhiều hoạt động chuyên môn có tính thiết thực đối với các trường như giao lưu, sinh hoạt cụm trường theo các ngành học; tổ chức hội thi giáo viên cấp huyện; kết nghĩa, thăm quan học hỏi ở các trường trong và ngoài tỉnh…. Năm học qua đã có 202 giáo viên mầm non, tiểu học và THCS được công nhận giáo viên giỏi cấp huyện; 26 giáo viên giỏi cấp tỉnh; 10 cán bộ quản lý mầm non đoạt giải cấp huyện và 2 cán bộ quản lý đạt giải cấp tỉnh. Mặt khác, ngành tiếp tục đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nhằm hạn chế về chuyên môn của đội ngũ (nhất là đội ngũ giáo viên mầm non). Năm học này, toàn ngành có 32 giáo viên theo học sư phạm mầm non nhằm đạt chuẩn; 36 người học đại học, 40 người học trung cấp lý luận chính trị và quản lý Nhà nước, quản lý giáo dục. Đến nay, 47,4% cán bộ quản lý có trình độ trên chuẩn; 19,6% giáo viên có trình độ trên chuẩn. Chất lượng đội ngũ dần nâng lên đã góp phần vào chất lượng giáo dục của huyện. Về chất lượng đối với giáo dục tiểu học (4.131 học sinh, trong đó có 64 học sinh khuyết tật không đánh giá), tỷ lệ học sinh có học lực giỏi, khá môn tiếng Việt chiếm 75,4% (đối với môn toán chiếm 71,8%). Tỷ lệ học sinh yếu môn tiếng Việt còn 1,6% (giảm 0,2%); tỷ lệ yếu về môn toán còn 1,5% (giảm 0,4% so với năm học trước). Đối với giáo dục THCS, số học sinh được xếp loại hạnh kiểm tốt, khá chiếm 95,6%; tỷ lệ học sinh có học lực khá, giỏi cũng chiếm gần 30% (tỷ lệ học sinh yếu cũng đã xuống còn 7,9%, giảm 6,6% so với năm học trước). Cùng với giáo dục đại trà, chất lượng giáo dục mũi nhọn đã được cải thiện đáng kể. Toàn huyện có 157 học sinh tiểu học, THCS đạt giỏi cấp huyện (4 giải nhất, 14 giải nhì, 11 giải ba…), 72 giải học sinh giỏi cấp tỉnh (trong đó có 2 giải nhất, 8 giải nhì, 14 giải ba…), 2 học sinh đoạt giải thi giải toán bằng máy tính cầm tay. Nhiều em đoạt giải cao tại cuộc giao lưu “Tiếng Việt của chúng em”… Chất lượng giáo dục được nâng lên là tiền đề để huyện xây dựng các trường chuẩn quốc gia. Đến thời điểm này, toàn huyện có 8 trường đạt chuẩn quốc gia (2 trường mầm non, 2 THCS và 4 trường tiểu học). Hiện nay, cùng với trường tiểu học Tân Pheo B đang hoàn thiện hồ sơ, 3 trường khác đang có cơ hội để được công nhận là trường chuẩn quốc gia trong tương lai gần: mầm non Tu Lý B, tiểu học và THCS Hào Lý.