Vượt qua 5 km đường núi, chúng tôi đến với trường Tiểu học xã Hiền Lương. Mặc dù là xã khá gần trung tâm huyện nhưng đây lại là địa phương nằm trong diện vùng khó khăn. Trao đổi với chúng tôi, cô giáo Đoàn Thị Tươi, Hiệu trưởng trường Tiểu học Hiền Lương chia sẻ, hiện nay Trường có 5 điểm trường, trong đó có điểm Mơ cách điểm trường chính khoảng 10 km. Đây là điểm ít dân cư nên học sinh phải học ghép lớp. Toàn trường có với 138 học sinh và 28 cán bộ, giáo viên. Trong đó phần lớn học sinh theo học tại Trường là người dân tộc Mường và Dao. Do vậy, dạy và học tại trường gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, giao thông đi lại. Tuy nhiên, sau 1 năm thực hiện năm giáo dục vùng khó khăn công tác dạy và học tại trường đã có nhiều thay đổi. Nhiều giáo viên đã đăng ký đi học để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; cơ sở vật chất đã được đầu tư. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã đầu tư bàn, ghế đúng quy chuẩn, kết nối internet, lắp đặt máy tính nhằm phục vụ công tác giảng dạy thông qua trực quan sinh động cũng như tạo điều kiện cho các em học sinh tiếp xúc với công nghệ thông tin, tham khảo kiến thức. Việc được đầu tư bàn, ghế đúng quy chuẩn nên phụ huynh học sinh rất phấn khởi và yên tâm cho con em theo học tại trường. Bên cạnh đó, phụ huynh học sinh cũng rất tích cực hỗ trợ ngày công, vật chất để xây dựng các công trình vệ sinh tạm thời, làm sân, xây dựng tường bao bảo đảm cho các em có môi trường học tập tốt hơn. Không những vậy, Trường còn thường xuyên khuyến khích cán bộ, giáo viên học tập lẫn nhau để giúp đỡ về phương pháp, bổ trợ kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ nhằm; đổi mới phương pháp giảng dạy bằng việc tổ chức cho cán bộ, giáo viên kết nghĩa với các trường khác nhằm trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, nghiệp vụ.
Thực hiện năm giáo dục vùng khó khăn, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đà Bắc đã tập trung xây dựng kế hoạch, đồng thời đưa ra các giải pháp, biện pháp nhằm chấn chỉnh những tồn tại, thiếu sót, bất cập của giáo dục vùng khó khăn những năm qua; từng bước nâng cao dần chất lượng giáo dục đối với các trường học vùng khó khăn của huyện. Bên cạnh đó, Phòng cũng tổ chức hướng dẫn các đơn vị trường học trên địa bàn huyện quán triệt và thực hiện nghiêm túc việc triển khai thực hiện năm giáo dục vùng khó khăn của tỉnh nói chung và huyện nói riêng. Ngoài ra, các đơn vị trường học trên địa bàn cũng đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, giáo viên và các em học sinh, phụ huynh về thực hiện năm giáo dục vùng khó khăn.
Trong năm vừa qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã bám sát các mục tiêu, giải pháp chung của ban chỉ đạo tỉnh đã xây dựng, vận động linh hoạt, khoa học, phù hợp với công tác giáo dục vùng khó khăn của huyện. Vì vậy, về cơ bản huyện Đà Bắc đã đạt được các mục tiêu của tỉnh đề ra, trong đó huy động 100% trẻ mẫu giáo 5 tuổi ra lớp; 100% trẻ 6 tuổi vào lớp 1; học sinh tiểu học hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100% và 100% học sinh tốt nghiệp THCS. Đồng thời duy trì ổn định sỹ số học sinh, không có học sinh bỏ học ở bậc mầm non và bậc tiểu học. Bên cạnh đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo cũng đã có những giải pháp tích cực, thiết thực, kịp thời trong việc tập trung tốt mọi nguồn lực đầu tư cho giáo dục vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của huyện. Từ năm 2013, Phòng đã tham mưu cho UBND huyện tập trung đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp nhà làm việc của ban giám hiệu, lớp học, các phòng học chức năng và các công trình phụ trợ, nhà vệ sinh cho giáo viên, học sinh thuộc xã vùng 135 cách trung tâm từ 50 đến 80 km như Đồng Nghê, Đồng Ruộng, Trung Thành, Suối Nánh, Đoàn Kết...; tổ chức các buổi giao lưu giữa vùng thuận lợi và vùng khó khăn; thăm và tặng quà các trường vùng khó khăn, động viên giáo viên, học sinh các nhà trường; tổ chức kết nghĩa giữa các tường thuận lợi và trường khó khăn giúp đỡ nhau về chuyên môn và tăng cường các điều kiện giảng dạy, học tập; quan tâm chăm lo giáo viên, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, học sinh nghèo, khuyết tật, con thương binh, liệt sỹ, học sinh mồ côi...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì việc triển khai thực hiện năm giáo dục vùng khó khăn trên địa bàn huyện Đà Bắc cũng gặp những vướng mắc như chất lượng, hiệu quả giáo viên tuy đã có những chuyển biến nhất định, song nhìn chung vẫn còn ở mức thấp, mức độ chuyển biến chưa nhiều, đặc biệt là chất lượng giáo dục ở các trường vùng khó khăn, một số đơn vị trường học nhiều năm liền không có học sinh tham dự học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh; công tác phổ cập giáo dục tuy đã đạt được các tiêu chuẩn theo quy định, song vẫn ở mức thấp, chưa vững chắc. Tình trạng học sinh nghỉ, bỏ học ở cấp THCS và một bộ phận học sinh học không chuyên cần ở một số đơn vị trường vẫn còn xảy ra; công tác quản lý giáo dục còn hạn chế, một số cán bộ quản lý, giáo viên chưa thật sự cố gắng, ít chủ động, sáng tạo trong công việc; cơ sở vật chất trường học tuy được đầu tư từ nhiều chương trình, dự án nhưng nhìn chung chưa đáp ứng được nhu cầu, hầu hết các đơn vị trường vẫn thiếu các phòng học bộ môn, phòng chức năng, văn phòng nhà trường và các công trình phụ trợ khác.